Trong những ngày qua, việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) ban hành Công văn số 1123/LĐTBXH/QLLĐNN về tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh đưa thực tập sinh (TTS) Việt Nam sang Nhật Bản vấp phải phản đối của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ). Lý do được đưa ra là nhiều nội dung của công văn mang tính áp đặt, gây trở ngại cung ứng lao động ở thị trường này.
Đụng đến “nồi cơm” của doanh nghiệp?
Công văn 1123 do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp ký ban hành ngày 6-4, thay thế Công văn 4732/LĐTBXH/QLLĐNN ban hành ngày 18-11-2015. Một trong những nội dung của công văn bị không ít DN phản ứng là quy định các tổ chức, nghiệp đoàn của Nhật Bản (gọi chung là nghiệp đoàn) tiếp nhận dưới 100 TTS Việt Nam/năm chỉ được ký hợp đồng với tối đa 3 DN Việt Nam. Một chuyên gia trên 30 năm làm công tác XKLĐ cho rằng quy định này không chỉ gây khó cho DN trong nước mà còn ảnh hưởng đến các tổ chức, nghiệp đoàn của Nhật Bản. Theo vị này, trong điều kiện Việt Nam thúc đẩy hợp tác lao động, tăng số lượng lao động sang Nhật Bản thì việc can thiệp trên là không nên.
Một nội dung khác của công văn là tạm dừng đưa TTS sang Nhật Bản đối với những DN có tỉ lệ TTS phá vỡ hợp đồng từ 5% trở lên. Thêm vào đó, chỉ cho phép DN thu phí tối đa 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm và 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm. “Việc bỏ trốn là chủ ý của TTS, DN Việt Nam và cả nghiệp đoàn, chủ sử dụng lao động Nhật Bản khó có thể ngăn chặn. Do đó, đưa ra tỉ lệ bỏ trốn để “trừng phạt” là không thỏa đáng, gây thiệt hại cho DN. Ngay cả khống chế mức phí tối đa 3.600 USD/hợp đồng 3 năm cũng không phù hợp bởi thực tế hiện nay, các DN thu phổ biến từ 4.000 - 4.500 USD trở lên” - giám đốc chi nhánh của một DN XKLĐ tại TP HCM lập luận.
Phải làm vì người lao động
Trước khi có Công văn 1123, quá trình triển khai Công văn 4732 Bộ LĐ-TB-XH cũng tiếp nhận nhiều ý kiến từ DN. Tuy nhiên, theo ông Doãn Mậu Diệp, cần có biện pháp mạnh để buộc DN tuân thủ pháp luật.
Sự cương quyết này thể hiện qua việc một tuần sau khi ban hành Công văn 1123, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB-XH đã sang Nhật Bản làm việc với Cơ quan Hợp tác lao động quốc tế của Nhật Bản - JITCO (cơ quan quản lý chương trình TTS) nhằm trao đổi, thống nhất các nội dung, yêu cầu nghiệp đoàn Nhật Bản và DN phái cử của Việt Nam phải thực hiện theo quy định mới.
Ông Diệp cho rằng lý do mà Bộ LĐ-TB-XH tập trung chấn chỉnh thị trường Nhật Bản là vì thời gian qua, xảy ra nhiều sai phạm từ chính DN phái cử TTS. Điển hình là tình trạng DN cạnh tranh không lành mạnh, “đi đêm” với tổ chức tiếp nhận để kiếm hợp đồng, đẩy chi phí của NLĐ lên cao. Không ít DN còn tuyển chọn qua trung gian, “cò mồi”, không kiểm soát được chất lượng lao động cũng như quản lý thu chi của NLĐ… Do vậy, theo ông Diệp, Bộ LĐ-TB-XH quyết tâm chấn chỉnh thị trường Nhật Bản, cương quyết xử ý DN vi phạm. Mục tiêu là bảo vệ quyền lợi chính đáng, giảm gánh nặng chi phí cho NLĐ.
Các biện pháp mà Bộ LĐ-TB-XH đưa ra đang nhận được sự đồng tình của NLĐ cũng như những DN làm ăn đàng hoàng. Một số DN cho biết đang có hiện tượng nguy hiểm là ở Nhật ngày càng có nhiều cá nhân lập tổ chức, nghiệp đoàn rồi sang Việt Nam tuyển dụng. Một số môi giới Đài Loan cũng sang Việt Nam để tìm lao động cung cấp cho Nhật Bản. Các tổ chức, môi giới này thường tìm đến những DN nhỏ, ít đối tác và cần hợp đồng của Việt Nam. Họ được các ông chủ Việt cung phụng, mua vé máy bay, tiếp đãi, ăn ở khách sạn; thậm chí “lại quả” phí quản lý TTS (theo quy định tổ chức Nhật Bản phải trả phí quản lý tối thiểu 5.000 yen/người/tháng cho DN Việt Nam). Hậu quả là những chi phí phát sinh này bị DN đẩy sang cho NLĐ.
“Chúng tôi rất ủng hộ việc khống chế ký hợp đồng đối với đối tác Nhật Bản để ngăn ngừa tiêu cực. Nếu không làm như vậy, chắc chắn thị trường Nhật Bản cũng sẽ bị môi giới thao túng như thị trường Đài Loan hiện nay, mà người gánh chịu thiệt hại chính là NLĐ” - tổng giám đốc một DN XKLĐ tại Hà Nội bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực phái cử
Đến thời điểm này, có 204 DN Việt Nam đăng ký phái cử TTS sang Nhật Bản với JITCO. Trong đó, trên 50% DN mới thành lập, quan hệ hạn chế với các tổ chức, nghiệp đoàn của Nhật Bản. Bộ LĐ-TB-XH xác nhận có không ít DN không có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, không nắm vững quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật Nhật Bản và phương thức tổ chức đưa TTS sang Nhật Bản.
Bình luận (0)