Dù 7 giờ 30 sáng BHXH huyện Hóc Môn, TP HCM mới bắt đầu làm việc nhưng từ chiều ngày hôm trước đã có người đến "đặt gạch" lấy số trước cổng trụ sở. Đây không phải là lần đầu tiên BHXH huyện Hóc Môn xảy ra tình trạng người lao động xếp hàng "xí chỗ" như thế này
Ăn ngủ tại chỗ
Trời càng tối, số người tập trung về trụ sở BHXH huyện Hóc Môn ngày càng đông. Người đến sau hỏi người đến trước sẽ biết mình số thứ tự bao nhiêu. "Số này chưa phải là số chính thức vì cơ quan nhà nước nào làm việc giờ này, đây chỉ là số chúng tôi tự đặt ra để giữ chỗ. Sáng mai, khi bảo vệ cơ quan BHXH mở cửa thì chúng tôi mới vào lấy số" – anh Phong Quý, một công nhân chia sẻ.
Anh Quý trước đây làm công nhân may ở quận Bình Tân, TPHCM và sống trong cảnh thất nghiệp hơn 1 năm nay. Khoản tiền ít ỏi kiếm được từ công việc thời vụ không đủ để trang trải học phí của 2 con nhỏ. Để có tiền xoay sở, anh Quý quyết định rút BHXH một lần. Tựa lưng vào tường, anh Quý cẩn thận lấy hộp cơm được gói cẩn thận đặt xuống vỉa hè. "Hôm nay vợ tôi cho ăn cơm với khô cá sặc và rau luộc. Bây giờ ăn và ngủ ở đây luôn chứ không dám về nhà, vì thì sáng mai không lấy được số" - anh Quý cho biết.
Công nhân vật vạ cả đêm trước trụ sở BHXH huyện Hóc Môn, TP HCM
Đằng xa, một nhóm 4 -5 công nhân thất nghiệp đang trò chuyện rôm rả. Cũng như anh Quý, họ cũng dùng bữa tối ngay trên vỉa hè và chờ đến sáng để lấy số. "Chúng tôi chờ ở đây 3 ngày rồi. Một ngày BHXH chỉ giải quyết khoảng 20 người. Tôi cũng muốn đăng ký online cho khỏe nhưng thử nhiều lần vẫn không thành công" – chị Ngô Đoàn, một CN thở dài. Chị Đoàn cho biết đã thử đi làm thủ tục ở nhiều trụ sở BHXH khác nhưng nơi nào cũng đông. Tuy BHXH Hóc Môn đông nhưng mọi người xếp hàng rất trật tự, không chen lấn hay giành số của ai. Chỉ cần kiên nhẫn và bỏ thời gian ra chờ thì cũng đến lượt vào làm.
Muôn kiểu chờ đợi
Trước cổng trụ sở, tôi bắt gặp bà Mai Thị Liễu (72 tuổi) đang lúi húi trải tấm bạt để làm chỗ ngả lưng. Nhận được hộp bánh bao từ thiện, bà Liễu rất vui vì có cái bỏ bụng
Bà Liễu cho biết con trai thất nghiệp mấy năm nay, hiện đang đi làm thời vụ. "Tôi già rồi, ở nhà cũng không làm gì, ra đây lấy chỗ trước, sáng mai con trai sẽ ra thế tôi. Cũng may mấy hôm nay không có mưa, tôi cũng nằm chợp mắt được một chút" – Bà Liễu tâm sự. Vài hôm trước, con trai bà Liễu đến đây nhưng thất vọng bỏ về vì bốc nhằm số thứ tự quá lớn. Lo mất chỗ, cả nhà bà Liễu thay nhau túc trực bởi chỉ cần rời đi là sẽ có người khác thay.
Muôn kiểu chờ đợi phía trước trụ sở BHXH. Có người mắc võng giữa gốc cây và bờ tường để ngủ, có người trải bạt ra nằm vỉa hè, người chọn nằm trên xe máy, cũng có người thức cả đêm không thể chợp mắt được. Ai nấy cũng trông ngóng, mong trời mau sáng để bảo vệ phát số thứ tự chính thức. Giữa khuya, mọi người bắt đầu chìm vào giấc ngủ, ai cũng thấm mệt vì quãng thời gian dài phơi nắng, phơi sương.
Gần 1 giờ sáng, chị Hồng Anh (34 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) vẫn không thể chợp mắt. Càng về đêm, thời tiết càng lạnh. Những chuyến xe ben chạy ngang để lại bụi bẩn mù mịt. Cuộn mình trong chiếc võng, thỉnh thoảng chị hé mắt nhìn xung quanh nghe ngóng tình hình. Đầu tháng 3, chồng chị đã đến trụ sở để làm thủ tục nhưng liên tục hết số. Vài ngày trước, tình cờ đi ngang thấy nhiều người nằm ngủ, vợ chồng chị Ánh mới biết có chuyện "đặt gạch". Hai vợ chồng thay nhau túc trực, đến nay đã "ngủ bụi" mấy ngày liền. "Đàn ông thì đơn giản chứ phụ nữ thì chờ đợi vầy rất bất tiện, nhất là chỗ vệ sinh. Tranh thủ lúc trời còn sớm, tôi xin vào nhà dân hay những quán ăn để đi nhờ, còn khi trời tối thì đành chịu"- chị Hồng Anh cho hay.
Chị Anh cho biết, trước đây chồng là trụ cột chính trong gia đình. Từ khi chồng chị nghỉ việc, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, hai vợ chồng buộc lòng phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. Những ngày thất nghiệp, chị cũng chạy vay mượn tiền khắp nơi. Đến nay, mọi thứ dường như đã vượt quá tầm với của vợ chồng. Hi vọng duy nhất là số tiền BHXH để trang trải cuộc sống cho đến khi có thể tìm được việc làm ổn định. "Nằm chờ như vậy chứ tôi cũng không chắc sáng mai mình có bốc được số hay không" – chị Anh cho hay.
Bình luận (0)