Nhiều giải pháp được TP HCM ban hành đã phát huy hiệu quả tích cực, cải thiện một bước vấn đề nhà ở, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động (NLĐ) ngày càng tốt. Ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp (DN) tốt hơn, nhờ đó giảm thiểu được số vụ vi phạm pháp luật lao động, góp phần bảo đảm quyền lợi NLĐ. Đó là đánh giá của Thành ủy TP HCM tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN trên địa bàn TP tổ chức mới đây.
Chủ động phòng ngừa
Quyết tâm ấy được TP khẳng định qua việc ban hành Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND ngày 21-6-2016 về Quy chế giải quyết các vụ đình công không đúng pháp luật và Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND ngày 4-3-2016 về Quy chế tổ chức và hoạt động hòa giải viên lao động. Trong đó, lực lượng hòa giải viên lao động đóng vai trò quan trọng tham gia vào quá trình trung gian hòa giải tranh chấp lao động. Thực tế, khi xảy ra đình công, tổ công tác liên ngành đã có mặt kịp thời để hỗ trợ DN và NLĐ, hướng dẫn các bên liên quan thương lượng, đối thoại để giải quyết các kiến nghị của NLĐ. Từ năm 2014 đến 2018, hòa giải viên lao động đã tiếp nhận 3.515 yêu cầu hòa giải tranh chấp, trong đó nguyên nhân về tiền lương, trợ cấp khoảng 45%, về BHXH khoảng 30%, còn lại là hợp đồng lao động, kỷ luật lao động. Số vụ hòa giải thành chiếm 46,6%. Kết quả hoạt động của hòa giải viên lao động, trọng tài lao động trong việc giải quyết các vụ tranh chấp lao động đã góp phần hạn chế những vụ tranh chấp cá nhân phải đưa ra tòa cũng như hạn chế tranh chấp lao động tập thể trong DN.
Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (KCN Tân Tạo; quận Bình Tân, TP HCM), một trong những điển hình về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, LĐLĐ TP đã phối hợp với Đảng ủy các KCX-KCN TP chỉ đạo Công đoàn (CĐ) các KCX-KCN TP vận động các DN có vốn đầu tư nước ngoài có trên 1.000 lao động tuyển dụng, bố trí cán bộ CĐ chuyên trách tại DN. Tính đến nay, CĐ các KCX-KCN TP đã thỏa thuận bố trí 12 cán bộ CĐ chuyên trách, tập trung tại KCX Tân Thuận và KCX Linh Trung. "Việc bố trí sử dụng cán bộ chuyên trách CĐ tại những DN có đông lao động đã phát huy tác dụng khi đội ngũ này thể hiện được sự chủ động trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng thang, bảng lương, quy chế trả lương, trả thưởng. Đội ngũ này còn mạnh dạn kiến nghị người sử dụng lao động giải quyết bức xúc của NLĐ, góp phần ngăn ngừa tranh chấp từ gốc" - ông Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, nhìn nhận.
Đặc biệt, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức CĐ chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, quan tâm giải quyết các bức xúc của công nhân (CN), NLĐ, đồng thời ban hành một số chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN. Ước tính, 2,4 triệu lượt CN, NLĐ được chăm lo với kinh phí 427 tỉ đồng; 1,4 triệu lượt CN, NLĐ được hỗ trợ, cấp vốn cho số tiền hơn 15 tỉ đồng.
Triệt tiêu mầm mống tranh chấp
Nhiều kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm bình ổn quan hệ lao động cũng được các địa phương chia sẻ tại hội nghị.
Là địa bàn đông lao động với hơn 17.000 DN, quận Bình Tân đã sớm thành lập ban chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, do phó bí thư Quận ủy là trưởng ban. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ và người sử dụng lao động, ban còn xây dựng lực lượng nòng cốt tại các khu lưu trú, nhà trọ có đông CN, nhờ vậy nắm chắc được tâm tư, nguyện vọng NLĐ. "Đặc biệt, UBND quận còn xây dựng hồ sơ quan hệ lao động tại các DN có nguy cơ cao về tranh chấp lao động, đình công nhằm thiết lập công cụ nắm bắt, theo dõi, nhờ vậy có thể đánh giá đầy đủ về tình hình vận hành quan hệ lao động tại DN để có giải pháp kịp thời phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công xảy ra" - ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết.
Tại huyện Hóc Môn, TP HCM, hoạt động bài bản của tổ công tác bước đầu giải quyết các cuộc đình công không đúng quy định trên địa bàn cũng góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự. Khi tranh chấp xảy ra, thành viên của tổ chủ động tiếp cận, tiếp xúc với DN và NLĐ để xác định nguyên nhân tranh chấp và vận động hai bên tiến hành thương lượng. Trong trường hợp các bên còn có sự khác biệt về quan điểm, tổ công tác khuyến nghị những phương án giải quyết trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên. Nhờ vậy, thời gian qua, tất cả cuộc tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích đều được xử lý triệt để, không để kéo dài.
Từ thực tiễn tại đơn vị, ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Hansae Việt Nam, kiến nghị Thành ủy, UBND TP cần hỗ trợ tổ chức CĐ trong việc xây dựng các thiết chế CĐ ở các KCX-KCN, nơi tập trung đông lao động, để thu hút CN đến sinh hoạt. Qua đó, chủ động tuyên truyền, vận động NLĐ thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN.
Bà VÕ THỊ DUNG, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM:
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng công nhân
Với nỗ lực của các sở, ngành, các cấp ủy Đảng và tổ chức CĐ, quan hệ lao động trên địa bàn TP ngày càng ổn định, có nhiều mô hình hiệu quả để nâng cao thu nhập, đời sống NLĐ. Tình trạng nợ lương, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của CN giảm dần do sự kiên quyết của các cơ quan chức năng. Về lâu dài, các cấp ủy, chính quyền TP cần quan tâm tập trung xây dựng Đảng, đoàn thể trong DN ngoài nhà nước, nơi có đông CN. Đặc biệt, các tổ chức chính trị - xã hội phải tăng cường xây dựng lực lượng nòng cốt trong CN, nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của họ để hạn chế đình công, ngừng việc.
Bình luận (0)