Ngay ngày đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hơn 5.000 công nhân (CN) Công ty TNHH V.G (tỉnh Nghệ An) đã ngừng việc tập thể. Vụ việc kéo dài nhiều ngày qua, đến nay vẫn chưa kết thúc. Đáng nói là công ty này mới đi vào hoạt động từ tháng 11-2019 nhưng đã nhiều lần xảy ra tranh chấp lao động tập thể (TCLĐTT) và 2 năm liên tiếp xảy ra ngay sau kỳ nghỉ Tết. Một số vấn đề gây bức xúc được người lao động (NLĐ) phản ánh trong cuộc ngừng việc vào ngày 16-2-2021 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán Tân Sửu) tiếp tục được đề cập trong vụ tranh chấp lần này.
Phớt lờ nguyện vọng công nhân
Trong số các kiến nghị trong cả 2 lần tranh chấp, ngoài các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi như lương, thưởng, phụ cấp, thời gian làm việc, phép năm, NLĐ còn thể hiện sự bức xúc đối với cách cư xử chưa chuẩn mực của cán bộ quản lý người nước ngoài. Đây cũng là vấn đề tập thể NLĐ từng đề cập trong lần tranh chấp đầu năm 2021 nhưng chưa được công ty quan tâm cải thiện.
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, CN Công ty TNHH P.C (tỉnh Đồng Nai) cũng đã ngừng việc tập thể nhiều ngày do không đồng tình với việc giảm tiền thưởng Tết. Họ càng bức xúc hơn khi trong thông báo thưởng Tết của công ty có câu "Tiền thưởng cán bộ không thay đổi". "Công ty nói tiền thưởng căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh trong năm. Năm 2021 do phải ngừng hoạt động nhiều tháng, doanh thu giảm nên thưởng Tết phải giảm. Vậy lý do gì tiền thưởng CN giảm nhưng của cán bộ lại giữ nguyên?" - các CN đặt câu hỏi. Số đông CN nhìn nhận nếu công ty có cách xử lý khéo léo hơn có thể sự việc đã khác.
Ông Liêu Ngọc Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TP HCM), nhìn nhận những bức xúc của NLĐ, đặc biệt là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi dù nhỏ cũng rất dễ trở thành tác nhân gây tranh chấp lao động. Do vậy, việc nắm bắt dư luận trong CN để kịp thời xử lý, dập tắt ngay mầm mống tranh chấp được công ty đặc biệt quan tâm. Dịp Tết vừa qua, do gặp khó khăn vì dịch bệnh, tiền thưởng Tết của NLĐ có giảm hơn mọi năm vì tính trên số tháng thực tế làm việc. Sau khi tham khảo ý kiến Công đoàn, quy chế thưởng đã được công ty ban hành và thông báo rộng rãi đến NLĐ. Thế nhưng vẫn có một vài CN hiểu sai và thông tin chưa đúng, làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp (DN). Nắm được thông tin, Công đoàn đã tiếp cận nhóm CN này và giải thích cặn kẽ để họ hiểu hơn khó khăn của DN. Sự nhạy bén này của Công đoàn cơ sở đã giúp ổn định tình hình lao động tại DN.
Hóa giải kịp thời bức xúc của người lao động sẽ góp phần ngăn chặn tranh chấp
Nắm bắt sớm để giải quyết tận gốc
Năm 2021, dù DN gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, song số vụ TCLĐTT xảy ra tại TP HCM giảm hơn các năm, chỉ có 7 vụ. Để có kết quả đó, ngoài nỗ lực xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định của DN, Công đoàn cơ sở và NLĐ, còn có sự đồng hành của các Công đoàn cấp trên, đặc biệt là trong việc đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời hóa giải bức xúc của NLĐ.
Tại quận Bình Tân, TP HCM, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, LĐLĐ quận đã thành lập các tổ dư luận xã hội tại các DN có từ 300 lao động trở lên và 5 tổ dư luận xã hội tại các khu nhà trọ có đông CN. Bên cạnh đó, LĐLĐ quận cũng xây dựng lực lượng CN nòng cốt hơn 1.200 thành viên tại 568 tổ CN tự quản; thành lập nhóm Zalo 15 chủ nhà trọ (2.241 thành viên) để thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội trong CN. Không chỉ phối hợp cùng DN, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời bức xúc của NLĐ, LĐLĐ quận còn xây dựng kế hoạch hoạt động, chăm lo phù hợp với nguyện vọng của CN. Để nâng cao hiệu quả hoạt động nắm bắt dư luận xã hội, LĐLĐ quận cũng thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ CN nòng cốt và các tổ dư luận xã hội.
Tận dụng ưu thế mạng xã hội, LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM thường xuyên nắm bắt sát sao tình hình quan hệ lao động trên địa bàn. Từ nguồn tin thu thập được, LĐLĐ huyện trực tiếp tham gia cùng Công đoàn cơ sở giải quyết kịp thời thắc mắc của NLĐ. Trong năm 2021, ngoài tổ chức giám sát 7 Công đoàn cơ sở về thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ, LĐLĐ huyện còn đề xuất đoàn giám sát của huyện giám sát 11 DN về kế hoạch trả lương, thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi... Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, LĐLĐ huyện còn tham gia các đoàn kiểm tra DN thực hiện phương án "3 tại chỗ" để kịp thời nhắc nhở DN thực hiện đúng công tác phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho NLĐ. Các giải pháp đồng bộ trên không chỉ góp phần bảo đảm quyền lợi NLĐ mà còn giúp ngăn ngừa tranh chấp từ gốc.
Cải thiện kỹ năng giao tiếp cho nhân sự quản lý
Một số vụ TCLĐTT xảy ra thời gian qua xuất phát từ mâu thuẫn giữa nhân sự quản lý với CN. Rút kinh nghiệm từ các sự việc này, những phản ánh của CN liên quan đến thái độ ứng xử của đội ngũ quản lý luôn được Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TP HCM) đặc biệt quan tâm và tìm giải pháp khắc phục. "Một số nhân sự quản lý xuất thân từ CN trực tiếp sản xuất nên có những hạn chế trong giao tiếp, dẫn đến va chạm không đáng có với NLĐ. Do vậy, mỗi năm ít nhất 2 lần, công ty mời chuyên gia về đào tạo, nâng cao kỹ năng mềm cho đội ngũ này. Nhờ vậy, quan hệ giữa nhân sự quản lý và NLĐ tại công ty trở nên hài hòa hơn trước" - bà Ngô Thị Mỹ Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết.
Bình luận (0)