Ngày 20-10, tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với dự án NIRF/Nhật Bản - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức tọa đàm "Đối thoại trong giai đoạn khủng hoảng và vai trò của Công đoàn (CĐ)", với sự tham dự của gần 50 cán bộ CĐ cấp trên, CĐ cơ sở và đông đảo đoàn viên trên địa bàn TP. Nhiều vấn đề đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi như tác động to lớn của dịch Covid-19 và ứng xử của chủ doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; vai trò của CĐ đối với việc tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể trong giai đoạn cả DN và NLĐ gặp khủng hoảng...
Giải quyết kịp thời bức xúc
Báo cáo tình hình đời sống, việc làm của đội ngũ CNVC-LĐ TP và hoạt động hỗ trợ, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết qua khảo sát trên địa bàn TP, có 15.201 DN giải thể, ngừng việc, thu hẹp sản xuất, với 149.844 lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên do tác động của dịch bệnh. Trước tình hình đó, LĐLĐ TP đã chủ động đề ra nhiều giải pháp nhằm đáp ứng với tình hình dịch Covid-19.
Tiêu biểu là việc sớm hỗ trợ cho 20.000 đoàn viên bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm với số tiền khoảng 23 tỉ đồng. Các cán bộ CĐ cũng trực tiếp đưa bữa cơm trưa đến nhà trọ cho công nhân bị mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; vận động các chủ nhà trọ giảm giá hoặc miễn thu tiền thuê trọ vào thời điểm các DN tạm dừng, thu hẹp sản xuất, đẩy mạnh chương trình phúc lợi cho đoàn viên góp phần động viên NLĐ vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, các cấp CĐ đã tăng cường hỗ trợ hướng dẫn CĐ cơ sở tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ, nhờ đó giải quyết kịp thời các bức xúc của NLĐ. Kết quả, trên 7.000 CĐ cơ sở đã tổ chức đối thoại và thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nhờ phát huy đồng bộ các giải pháp trên mà trong 9 tháng đầu năm 2020, tranh chấp lao động tập thể tại TP HCM giảm so với cùng kỳ.
Người lao động Công ty TNHH Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) đối thoại định kỳ trong năm 2020
Chia sẻ kinh nghiệm giúp DN ổn định quan hệ lao động thời gian qua, bà Lê Thị Hồng Sơn, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sản xuất Upgain VN (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết do tác động của dịch bệnh, trong tháng 3 và 4, công ty gặp nhiều khó khăn về đơn hàng. Trong hoàn cảnh ấy, song song với việc chủ động tham mưu cho DN các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, CĐ cơ sở chủ động đối thoại với DN để thảo luận cách thức duy trì sản xuất nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ.
Nhờ sự đồng lòng, đến giữa tháng 5, những khó khăn của DN cơ bản được giải quyết. "Tranh chấp xảy ra, cả NLĐ và DN đều thiệt hại. Do vậy, việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa là chìa khóa mở ra mọi thành công và sự phát triển. Thực tế, khi cùng ngồi lại đối thoại, những mâu thuẫn sẽ được giải quyết tận gốc" - bà Sơn chia sẻ.
Chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, từ tháng 3, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) đã phải xây dựng phương án thu hẹp sản xuất, dự kiến cắt giảm 6.000 lao động. Tuy nhiên, kiên trì bảo vệ NLĐ, CĐ công ty đã chủ động thương lượng, trao đổi các giải pháp sắp xếp lao động với DN. Nhờ đó, đến tháng 6-2020, công ty chỉ cắt giảm 2.767 lao động (giảm gần 50% so với dự kiến).
Quan tâm nhóm lao động dễ bị tổn thương
Tại chương trình, nhiều đại biểu cho rằng dù CĐ đã rất nỗ lực trong công tác chăm lo nhưng thực tế, đời sống NLĐ vẫn còn rất khó khăn. Trong khi đó, việc tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ không dễ dàng.
Ông Trần Minh Vũ, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH WooYang VINA II, (quận 12, TP HCM), cho biết do tác động của dịch bệnh, không có đơn hàng, DN phải tạm ngừng sản xuất vào tháng 5 và 6. Hiện dù rất cố gắng nhưng DN chỉ tìm kiếm được các đơn hàng nhỏ và giá thấp, nên không đủ trang trải chi phí lương, thuê nhà xưởng, đóng BHXH... Công ty đã hoàn thiện hồ sơ để NLĐ được hỗ trợ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, song cơ quan thẩm định trả lời là do chỉ mới đáp ứng được 3/4 tiêu chí nên không được xét duyệt. "Điều kiện khắt khe như vậy thì chỉ có DN phá sản mới đủ điều kiện, rất thiệt thòi cho NLĐ" - ông Vũ nói.
Điều đáng lo ngại nhất, theo các đại biểu là tình trạng DN lợi dụng dịch bệnh để sa thải NLĐ. Ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch CĐ các KCX-KCN, cho biết bên cạnh các DN có khó khăn thật sự phải giảm lao động, đã có không ít DN lợi dụng dịch bệnh để áp dụng điều 38 Bộ Luật Lao động nhằm đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lớn tuổi, làm việc lâu năm, có mức lương cao... Chưa hết, nhiều DN còn lợi dụng dịch bệnh để thay đổi hình thức sản xuất và cách tính lương dẫn đến thu nhập NLĐ bị giảm. "Điều này không chỉ gây bức xúc trong công nhân mà còn dẫn đến bất ổn trong quan hệ lao động. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi này" - ông Thành bày tỏ.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, bà Trần Thanh Hà, Phó Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh đối với những vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ như cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đòi hỏi cán bộ CĐ phải chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo và xử lý kịp thời những tình huống phát sinh từ thực tiễn.
Dự báo từ nay đến năm 2021, tình hình sẽ diễn biến khó lường, do vậy, các cấp CĐ tiếp tục triển khai thực hiện gói hỗ trợ từ nguồn tài chính CĐ theo Quyết định số 643/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, luôn chủ động đối thoại để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của NLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội cho phép những trường hợp thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ việc luân phiên từ 14 ngày trở lên trong tháng vẫn được đóng BHYT bắt buộc theo đối tượng có quan hệ lao động để bảo đảm quyền lợi BHYT liên tục, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền DN hỗ trợ NLĐ nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 - bà Hà nhấn mạnh.
Bình luận (0)