Nhiều bạn trẻ trong ngành Công nghệ thông tin (CNTT) có năng lực tốt, kinh nghiệm phong phú sẽ có mức thu nhập lên đến 30 triệu đồng/tháng. Song, nghề này chịu sự đào thải vô cùng khắc nghiệt.
Lương sinh viên ra trường thuộc "top" đầu
Sau 1 năm tốt nghiệp ngành CNTT của Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh Phan Trung Kiên (SN 1998, quê Hà Tĩnh) hiện đang sở hữu mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. So với những lĩnh vực khác, đây là mức lương mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường.
Hiện là kỹ sư công nghệ của Công ty cổ phần VinBigData, để đạt được mong muốn này, anh Kiên đã đam mê với môn tin học từ khi còn là học sinh lớp 10. Và ngay từ khi năm thứ nhất đại học, anh đã có thể thực tập ngay tại các công ty về lĩnh vực CNTT. Những kinh nghiệm được tích luỹ, bước ra khỏi cánh cổng trường đại học, anh Kiên "ẵm" cho mình công việc đúng sở trường. Song, để có chừng ấy thu nhập khi chỉ mới ra trường, anh cũng phải đối mặt với một số khó khăn thách thức nhất định.
"Lúc học chỉ học một cách chung chung, bao quát. Đến lúc ra trường đi làm thì mình sẽ phải chọn và đi sâu vào một mảng nhất định" - anh Kiên chia sẻ. Để theo đuổi được nghề này, anh Kiên cho rằng, rất cần tính kiên nhẫn, cần mẫn trong công việc.
Nguyễn Trung Hiếu (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) cho rằng dù có mức lương cao song đầu vào khi làm lĩnh vực công nghệ thông tin rất khắt khe. Ảnh: NVCC
Vừa tốt nghiệp Đại học FPT hơn 1 năm, anh Nguyễn Trung Hiếu (SN 1998, ở quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) cũng đã có mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Anh Hiếu cũng "thú nhận", ngoài việc làm tại công ty anh còn có thể nhận các công việc khác bên ngoài cùng chuyên ngành để nâng thu nhập. Tuy nhiên, anh Hiếu cho rằng, nếu các bạn trẻ chỉ nhìn vào thu nhập mà chọn ngành nghề này là sai. Bởi, đầu vào của ngành yêu cầu rất khắt khe, cũng cùng nghề nhưng có người chỉ có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng nhưng có người thu nhập lại lên đến vài chục triệu đồng/tháng.
Ngay cả trong bối cảnh nhiều ngành nghề chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, song, lĩnh vực CNTT vẫn "bất chấp" dịch, gia tăng nhu cầu tuyển dụng.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho hay, nhu cầu nhân lực ngành CNTT vẫn tiếp tục tăng. Có thể nói, đây là lĩnh vực ít chịu tác động của dịch COVID-19. Dù dịch căng thẳng, song các dự án phần mềm, dịch vụ CNTT vẫn hoạt động bình thường. Các doanh nghiệp vẫn "sống khoẻ" và có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí như lập trình viên, kỹ sư phần mềm, kiểm thử phần mềm. Nhiều doanh nghiệp có tuyển dụng lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tuyển dụng 678 vị trí, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT tuyển dụng 328 chỉ tiêu…
Dễ mất việc
Khi được hỏi về khó khăn lớn nhất trong nghề, anh Phan Trung Kiên cho rằng: "Đó là việc phải liên tục cập nhật. Hiện tại, tôi chỉ mới ra trường, việc học tập và tiếp thu liên tục sự thay đổi của nghề với tôi còn dễ dàng. Nhưng đến khi lập gia đình hoặc đến một độ tuổi nhất định sự tiếp nhận ấy sẽ bị chững lại vì rất nhiều yếu tố cả khách quan và cả chủ quan khác".
Cùng quan điểm với anh Kiên, anh Hiếu cho rằng, ở nước ngoài, nhiều kỹ sư công nghệ "già" đã bị đào thải bởi sự phát triển hơn nữa của công nghệ. Ở Việt Nam, hiện tượng này còn ít xảy ra nhưng đó sẽ là lẽ đương nhiên. Khi đến một độ tuổi nào đó, rất nhiều tác động như gia đình, tuổi tác, khả năng học tập và rèn luyện sẽ khiến người lao động trong ngành dễ bị đào thải.
Không chỉ vậy, nhiều người không làm cho các công ty thì thời gian làm việc thường trái ngược với người bình thường. Có thể họ sẽ nhận việc vào ban đêm còn ban ngày chỉ để ngủ, cũng có thể họ sẽ tăng ca, cả ngày chỉ ngồi trước màn hình máy tính.
Cũng trao đổi về lĩnh vực này, bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc Navigos Search khu vực miền Bắc - đơn vị sở hữu trang tuyển dụng lớn - cho biết, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ là xu hướng chung được quan sát ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong thời gian qua. Không chỉ các ngân hàng có quy mô lớn, các ngân hàng nhỏ hơn và một số công ty chứng khoán cũng đã lên kế hoạch và đầu tư cho việc chuyển đổi, thành lập các ban dự án, khối chuyển đổi.
Theo đó, nhu cầu nhân sự các cấp cho các vị trí CNTT, chuyển đổi số vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là các vị trí phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số.
Bình luận (0)