Từ một hộ thuần nông, năm 2010, gia đình ông Từ Quốc Hội mua 1,2ha đất bám mặt đường Hồ Chí Minh để sản xuất cây keo giống. Ban đầu, ý tưởng của ông bị vợ con gạt phắt đi vì cho rằng, nghề này đòi hỏi nhiều lao động trong gia đình, vất vả cực nhọc, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng thu nhập không đáng là bao.
Đổi đời nhờ nghề ươm
Tuy nhiên, với quyết tâm cao, sau 7 năm xây dựng vườn ươm, ông đã chứng minh, ý tưởng của mình thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình. Mô hình của ông Hội được nhân rộng, biến Kỳ Sơn thành một xã phát triển nghề ươm cây giống.
Theo ông Hội, hiện có thể mua hạt keo nhập khẩu từ Úc hoặc giống keo nội hoặc trồng cây nuôi lấy mô (keo cành) để làm vườn ươm keo giống. Tuy nhiên, căn cứ theo nhu cầu thực tế hiện nay, giống hạt keo nội vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Thực tế, người trồng keo vẫn ưa chuộng giống keo nội bởi đặc tính có thể sinh trưởng trên đất khó, dốc và chống chịu tốt với mưa bão. Điều quan trọng là, chủ các vườn ươm chọn được giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Keo Úc hay keo Việt thì mỗi kg hạt cũng cho ra khoảng 30.000 - 40.0000 cây giống. Trong khi giá keo Úc thành phẩm chỉ cao gấp 2 thì giá hạt giống lại cao gấp gần 30 lần hạt keo Việt. Keo cành tuy phát triển nhanh nhưng giá khá cao, lại giòn, dễ gãy nên người trồng rừng kén chọn. Vì thế, tính đi tính lại, tôi vẫn đang sử dụng hạt giống keo nội để ươm giống. Tôi cũng đang có dự định đầu tư vườn cây nuôi lấy mô về trồng để sản xuất giống keo cành, bán cho khách hàng có nhu cầu”, ông Hội cho biết. Ông Hội là một trong những chủ vườn ươm lớn nhất tại huyện Tân Kỳ. Mỗi năm, ông cho ra thị trường khoảng 2,5 triệu cây keo giống, không chỉ cung cấp thị trường trong tỉnh mà ra Thanh Hóa, vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… thu về trên 500 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, ông lãi ròng gần 200 triệu đồng. Vườn ươm của ông Hội tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Lúc cao điểm, ông phải thuê khoảng 20 lao động thời vụ.
Năm 2016, ông Hội được bầu làm Giám đốc HTX Ươm cây giống lâm nghiệp xã Kỳ Sơn với 21 hội viên tham gia. Dự tính, mỗi năm, HTX Ươm cây giống lâm nghiệp xã Kỳ Sơn sẽ xuất ra thị trường trên 40 triệu cây giống. Các hội viên tham gia HTX đóng góp vốn bằng tài sản; thống nhất sử dụng đầu vào là các giống keo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng. Đây được coi là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo chất lượng các vườm ươm khi thời gian gần đây, hoạt động tạo vườn ươm giống cây lâm nghiệp đang nở rộ ở xã Kỳ Sơn nói riêng và huyện Tân Kỳ nói chung.
Bà Phan Thị Ngọc, hội viên HTX Ươm cây giống lâm nghiệp xã Kỳ Sơn cho biết: “Tham gia HTX, thực tế chúng tôi vẫn sẽ sản xuất với phương thức cũ như cũ nhưng cơ hội được xuất hàng với số lượng lớn cho các dự án trong và ngoài tỉnh đang hiện hữu. Quan trọng là chúng tôi vẫn muốn ngày càng nâng cao chất lượng các vườn giống tại địa phương, tạo thương hiệu, tiến tới vươn xa hơn nữa ở thị trường trong nước”.
Thu nhập ổn định
Bà Lê Thị Mai, một công nhân làm tại vườn ươm ông Hội cho biết, làm tại đây, lương không cao nhưng cho thu nhập đều, ổn định, lại gần gia đình. Công việc cũng không mấy vất vả nhưng liền tay, liền chân. Ngày nắng cũng như ngày mưa đều phải có mặt tại vườn ươm. Nghĩa là "bán mặt cho đất, bán lưng cho cho trời".
Theo Phan Thị Ngọc, làm keo giống, quan trọng nhất là biết kỹ thuật và đặc tính của loại cây này. Loại đất tốt nhất để đóng bầu keo giống là đất đá bàn non, dễ xay, mát, dễ thấm nước không như đất thịt. Sau khi xay đất thì trộn 25kg NPK vào lượng đất đủ để đóng 5 vạn bầu. Bầu keo được làm bằng chất liệu ni lông, đường kính 6,5cm, cao 10,5cm; dưới đáy bầu có 4 lỗ hổng thoát nước.
Sau khi đun nước sôi, bỏ hạt keo vào, tắt lửa, khuấy đều khoảng 3 phút, đưa xuống. Sau đó, đãi hạt to, hạt nhỏ tách thành 2 phần, ngâm với nước lạnh. Ngày đầu thay nước 1 lần. Đến ngày thứ 2 thì một số hạt đã nảy mầm, đem tra vào túi bầu, số còn lại vẫn thay nước bình thường. Đến ngày thứ 3 hầu hết hạt keo sẽ nảy mầm hết. Túi bầu được xếp vào luống sao cho 1/3 túi nổi trên mặt đất, chiều rộng luống bằng 30 túi bầu, chiều dài thì tùy vào mặt bằng, làm sao dễ chăm sóc. Sau khi tra hạt xong, cần tủ bạt lên luống để đủ độ ẩm cho cây phát triển. Cây nhú mầm thì dỡ bạt che để cây đón ánh nắng.
`“Cây keo giống thường nhiễm một số loại nấm như sương mai, nấm rễ. Với những loại nấm này, buộc phải dùng thuốc đặc trị để tiêu diệt nấm nhưng phải cách ly 7 - 10 ngày mới tác động vào vườn ươm vì sợ độc cho công nhân. Làm keo giống phiền nhất là gặp phải sâu, những con sâu to bằng ngón tay út, chúng cắn phá nhanh lắm nhưng chủ vườn ươm không dám dùng thuốc diệt sâu vì độc hại và thời gian cách ly quá dài, sẽ khó khăn cho việc chăm sóc. Vì thế, vào mùa có nhiều sâu, khi công nhân đã nghỉ thì các chủ vườn ươm phải huy động cả gia đình ra chong đèn bắt sâu đến tận khuya. Vất vả nhưng nghề sản xuất keo giống, đầu ra cũng chưa đến nỗi khó, thu nhập cũng ổn”, bà Ngọc cho biết thêm.
`Tại xã Kỳ Sơn hiện có 35 hộ, Tân Hương 300 hộ, Nghĩa Hành 25 - 30 hộ có vườn ươm keo giống. Tại xã Tân Hương, nhiều gia đình còn đầu tư hệ thống béc tưới, vườn cây nuôi lấy mô để sản xuất keo giống. Bình quân, mỗi năm, nghề làm keo giống tại Tân Kỳ xuất ra thị trường khoảng 150 triệu cây giống; đem về nguồn thu trên 35 - 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, cây keo giống còn được sản xuất tại một số huyện như Thanh Chương, Đô Lương. Hiện nghề vườn ươm keo giống đang đem lại nguồn thu nhập ổn định và công ăn việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Bình luận (0)