1. Nhìn vẻ mặt hồng hào, rạng rỡ của Nguyễn Thị Ánh Vệ (công nhân Công ty TNHH Đạt Việt; KCX Tân Thuận, TP HCM), ít ai biết chị đang mang trong người một van tim nhân tạo. “Tôi có được ngày hôm nay là nhờ chương trình “Trái tim nghĩa tình” của LĐLĐ TP. Tôi biết ơn các anh chị cán bộ Công đoàn nhiều lắm, nhờ chương trình mà tôi có được cuộc sống, được hạnh phúc bên gia đình” - chị Vệ bộc bạch.
Quê huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, Vệ vừa ra đời đã mang trong người căn bệnh hở van tim, thông liên thất. Học hết lớp 9, Vệ phải ở nhà phụ giúp cha mẹ trồng lúa, nuôi heo. Năm 2010, bệnh tim của Vệ bộc phát, cha mẹ phải chạy vạy vay mượn, bán đổ bán tháo của cải trong nhà để có 70 triệu đồng thay van tim cho con. Khi khỏe lại, trước cảnh nợ nần chồng chất của gia đình, Vệ quyết định rời quê, vào Nam làm công nhân may.
Và căn bệnh tim suýt lấy đi tính mạng của Vệ lại là nhân duyên để chị gặp anh Nguyễn Hữu Trung, người bạn đời bây giờ. Là nhân viên một công ty thiết bị y tế tại quận 3,
TP HCM, chịu trách nhiệm theo dõi chiếc van tim nhân tạo trong người Vệ, anh Trung đã đồng cảm, thấu hiểu rồi yêu thương lúc nào không hay. Tháng 8-2015, họ nên duyên vợ chồng.
“Sau đám cưới 2 tháng, bệnh tim của tôi tái phát. Tôi lo lắm, tiền thay van tim lần trước còn chưa trả hết, lấy đâu ra 70 triệu đồng cho lần thay van tim này? Trong lúc tôi gần như tuyệt vọng thì may mắn đã gõ cửa” - Vệ kể. Chị được chương trình “Trái tim nghĩa tình” hỗ trợ toàn bộ chi phí ca phẫu thuật; được đồng nghiệp đóng góp hỗ trợ thêm hơn 10 triệu đồng. Vệ trải lòng: “Tôi mong có nhiều công nhân nghèo được chăm lo từ chương trình “Trái tim nghĩa tình” như tôi”.
2. “Tết Ất Mùi là cái Tết vui vẻ, sum họp nhất trong cuộc đời tôi khi vợ chồng, con cái được đón giao thừa cùng người thân, ăn bữa cơm sum họp vào ngày cuối năm” - chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (công nhân Công ty Astro; KCX Linh Trung,
TP HCM) tâm sự. Tuyến là một trong những công nhân được nhận vé xe từ chương trình “Tấm vé nghĩa tình” của LĐLĐ TP.
Làm công nhân may, thu nhập của Tuyến hơn 4 triệu đồng/tháng. Lương thợ xây của chồng chị cũng chẳng khá hơn nên chuyện về quê Quảng Nam ăn Tết với chi phí đi lại khoảng 5 triệu đồng là vấn đề nan giải với gia đình chị. Nhờ tấm vé của Công đoàn tặng mà chị Tuyến tiết kiệm được số tiền này và có tiền để mua quần áo cho cha mẹ, bánh kẹo cho anh chị và các cháu. “Ba năm rồi cả nhà chưa đón Tết ở quê nên cảm giác được về nhà, được gặp ba mẹ, anh chị em, họ hàng thật hạnh phúc. Đi đến đâu ai cũng thăm hỏi, cho quà bánh, mời cơm” - chị Tuyến kể.
3. Lần đầu tiên gặp Thị Chành Thi (công nhân Công ty Upgain; KCX Linh Trung, TP HCM), tôi tự hỏi: “Tại sao một cô gái xinh đẹp, hiền lành như Thi lại gặp nhiều bất hạnh đến thế?”.
Sinh ra trong một gia đình người Khmer ở Kiên Giang, năm lên 3 tuổi, Thi bị sốt và nổi một cái hạch ở chân trái. Bác sĩ bảo cô bị “phù chỉ chân voi”. Cái chân ấy to dần và đến nay đã gấp 3 lần cái chân bên kia. Thương con, cha mẹ Thi đã bán 7 công ruộng để chạy chữa nhưng không hết. Dù vậy, Thi vẫn chăm chỉ học may rồi mở tiệm tại nhà. Năm 2007, cô lên TP HCM làm công nhân, thu nhập mỗi tháng hơn 4 triệu đồng, chị vun vén cho mình và dành dụm chút ít để gửi về cho ba má.
Từ số tiền 5 triệu đồng của chương trình “Cùng công nhân vượt khó” do Báo Người Lao Động phối hợp cùng DongA Bank, Sacombank tổ chức, Thi đã mua được máy vắt sổ để hỗ trợ may và sửa chữa quần áo cho công nhân ở xóm trọ, kiếm thêm thu nhập.
Hiện Thi đã về quê làm công nhân may ở gần nhà để tiện chăm sóc mẹ. “Chương trình “Cùng công nhân vượt khó” đã mang đến cho tôi niềm vui và cơ hội để có cuộc sống ổn định hơn” - Thi phấn khởi.
Bình luận (0)