Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, TP là một trong những địa phương đi đầu trong công tác thực hiện chính sách xã hội, đặc biệt là đối với người khuyết tật (NKT). Cụ thể, TP đã điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp lên 380.000 đồng/tháng, miễn phí vé xe buýt; tạo điều kiện cho NKT tham gia các hoạt động về thể chất, tinh thần, tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, văn hóa, TDTT… Thế nhưng, trong cuộc đối thoại cùng đại diện các sở, ngành mới đây, NKT đã chia sẻ không ít trăn trở về các chính sách hiện hành đối với họ.
Chưa đồng tình với chính sách
Ông Lê Tấn Hùng - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Hóc Môn, TP HCM - bày tỏ băn khoăn: Theo quy định hiện hành, nhà nước chỉ cấp thẻ BHYT cho những NKT nặng và rất nặng, còn NKT nhẹ chưa được chăm lo. Song, khi một số nhà hảo tâm ngỏ ý mua thẻ BHYT tự nguyện cho đối tượng NKT nhẹ thì vướng phải quy định phải mua BHYT theo hộ gia đình khiến dự định của họ không thực hiện được nên NKT rất thiệt thòi. Theo ông Hùng, việc cấp thẻ BHYT từng năm cho NKT cũng chưa phù hợp, nên chăng cần cấp thẻ BHYT cho họ suốt đời.
Bên cạnh đó, nhiều NKT cũng rất bức xúc với việc đột ngột bị cắt trợ cấp khuyết tật hằng tháng. Theo ông Lê Văn Hải, Phó Chủ nhiệm CLB Hướng nghiệp trẻ, nhiều NKT phản ánh quy trình thực hiện việc đánh giá lại tình trạng khuyết tật hiện nay chưa tốt, bảng câu hỏi đánh giá khá chung chung, không phản ánh đúng tình trạng NKT, dẫn đến NKT nặng hoặc rất nặng lâm vào cảnh khó khăn khi bỗng dưng bị cắt trợ cấp hằng tháng.
Đơn cử, ông Nguyễn Khải Hoàn (quận 10, TP HCM) trình bày trước đây, ông được hưởng trợ cấp hằng tháng hơn 700.000 đồng/tháng. Vừa rồi, khi ông được hưởng lương hưu thì khoản trợ cấp khuyết tật này bị cắt. “Lương hưu không phải nhà nước cho tôi mà do tôi đóng BHXH 30 năm mới được hưởng. Vậy hà cớ gì lại cắt trợ cấp khuyết tật khi tôi được hưởng lương hưu” - ông Hoàn bức xúc.
Về vấn đề này, ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết theo quy định hiện hành, NKT nặng hoặc rất nặng được trợ cấp hằng tháng. NKT được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng sẽ không được hưởng trợ cấp dành cho NKT. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến của NKT và sẽ có ý kiến đề nghị điều chỉnh khi tiến hành sửa luật” - ông Giang nói.
Khó khăn khi hòa nhập
Vấn đề được NKT đề cập nhiều nhất là chính sách hỗ trợ việc làm cho đối tượng này. Vẫn còn nhiều rào cản ngăn họ tiếp cận cơ hội việc làm để có thể tự nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Anh Trương Phước Hải (huyện Nhà Bè, TP HCM) cho biết sau khi bị tai biến, anh trở thành NKT. Vì muốn sống có ích, anh đã đi học nghề và nhận được tấm bằng trung cấp. Thế nhưng, tốt nghiệp xong, anh vẫn không thể tìm được việc vì không nơi nào chịu nhận.
Cùng cảnh ngộ, chị Trần Thị Kim Oanh (CLB Hướng nghiệp; quận Bình Thạnh, TP HCM) kể trước đây, chị đã đi rất nhiều nơi để tìm một chỗ kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm ví, bóp do NKT làm ra, thậm chí cầu cứu cả Sở LĐ-TB-XH TP giới thiệu nhưng đi đâu cũng bị từ chối. “Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ NKT có nơi buôn bán, tạo đầu ra cho sản phẩm để có thêm thu nhập mưu sinh” - chị Oanh kiến nghị.
Đồng tình với các ý trên, một đại biểu cho rằng hiện nay, pháp luật Việt Nam ưu đãi rất nhiều cho các doanh nghiệp có sử dụng lao động là NKT nhưng bản thân NKT đứng ra làm chủ để sản xuất, kinh doanh thì chưa có chính sách hỗ trợ. “Tôi từng đến cơ quan thuế đề nghị được giảm bớt một phần tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng bị từ chối thẳng thừng. Họ bảo không có cơ chế” - vị này dẫn chứng.
Bình luận (0)