Theo đó, trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động (ATLĐ). Kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường. Bên cạnh đó, nhà thầu phải tổ chức bộ phận quản lý ATLĐ và tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất ATLĐ cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình.
Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng công trình đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu phải dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất ATLĐ và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công; khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất ATLĐ xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý ATLĐ và giải quyết các vấn đề phát sinh về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình. Đồng thời, đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý ATLĐ làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất ATLĐ; yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo ATLĐ trước khi cho phép tiếp tục thi công.
Người lao động trên công trường xây dựng chỉ nhận thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn, vệ sinh lao động. Người lao động trên công trường xây dựng có quyền từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp nhưng không được khắc phục, xử lý hoặc nhà thầu không cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định.
Bình luận (0)