Tuy nhiên, Ban Soạn thảo nhận được nhiều ý kiến trái chiều, chẳng hạn, có tới 99% số lao động được hỏi không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng một số hiệp hội doanh nghiệp (DN), ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết, về cơ bản, các ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan chức năng… đều cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là việc cần thiết, đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Tuy nhiên, trong thực tế, phần lớn những người đang lao động trực tiếp không đồng tình vì điều kiện, môi trường làm việc khiến họ không đủ sức để có thể kéo dài thời gian làm việc thêm mấy năm nữa rồi mới được nghỉ hưu như dự thảo. Ông Lợi cho hay, có tới 99% người lao động (NLĐ) được hỏi đã không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu.
Hiện nay, quy định tuổi nghỉ hưu đang thực hiện là nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi. Thực tế cho thấy, chưa đến tuổi quy định này, không ít người đã xin nghỉ hưu sớm. Theo Bộ LĐ-TB&XH, tuổi nghỉ hưu bình quân hiện nay của nữ là 53 và nam 57. Điều đó cho thấy quy định là một việc, nhưng đạt được hay không là việc khác do phụ thuộc vào các các điều kiện, môi trường lao động.
Trên cơ sở đó, dù Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định nâng tuổi nghỉ hưu, nhưng theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, sẽ có tới 1.748 ngành, lao động có thể được về hưu sớm trước 5-10 năm, do quy định về lao động đối với một số ngành độc hại. Những lao động được nghỉ hưu trước 10 năm phải là những người làm công việc độc hại và mắc bệnh nghiêm trọng. Họ vẫn được hưởng 75% lương, dù nghỉ hưu trước 10 năm.
Ví dụ, lao động trong ngành thủy sản phải đứng 8 tiếng/ngày, chưa kể tăng ca. Nhiều lao động thủy sản không cần đợi đến lúc 55 tuổi mới nghỉ hưu, mà chỉ cần 50 tuổi, nếu đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội là họ xin về hưu sớm. Giờ đây, nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi và 62 tuổi, liệu lao động thủy sản có đủ sức khỏe để tiếp tục tham gia sản xuất?
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho rằng, rất khó để công nhân, lao động trực tiếp chấp nhận tăng tuổi nghỉ hưu. Bởi thực tế trong khu vực sản xuất hiện nay, lao động trực tiếp đang bị vắt kiệt sức, lương thấp, phải tăng ca, kíp... Ông Quảng nói: “Dù quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành là nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi, nhưng có tới hơn hơn 90% lao động sản xuất trực tiếp không thể nghỉ hưu đúng tuổi do suy giảm sức khỏe”.
Về vấn đề này, Tổng LĐLĐ Việt Nam rất băn khoăn với việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng lao động trực tiếp và lao động đặc thù, dù về chủ trương thì Tổng LĐLĐ Việt Nam rất đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu thế già hóa dân số ở Việt Nam. Bởi vậy, ông Quảng đề xuất: Có thể chỉ nâng tuổi nghỉ hưu đối với lao động hành chính, lao động gián tiếp. Còn lao động trực tiếp sản xuất và lao động đặc thù thì giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện tại.
Trước đề xuất của ông Quảng, nhiều chuyên gia về lao động - việc làm cũng cho rằng, cách tốt nhất để "vẹn cả đôi đường" với cả lực lượng lao động gián tiếp và trực tiếp, nên chuyển quy định nâng tuổi nghỉ hưu sang Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức để quy định nâng tuổi nghỉ hưu chỉ áp dụng cho những lao động là viên chức, hành chính.
Bà Vương Thị Hanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ, thông tin: "Trong quá trình góp ý kiến cho Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến nên tách bạch vấn đề này. Lao động trực tiếp làm việc trong một môi trường hoàn toàn khác với môi trường làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Nếu triển khai theo hướng chuyển quy định nâng tuổi nghỉ hưu sang Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức thì không cần có lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu mà chúng ta có thể áp dụng ngay với bộ phận lao động là cán bộ công chức, người có trình độ kỹ thuật cao".
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, kết quả thẩm tra của cơ quan thuộc Quốc hội đã ghi nhận một số ý kiến đề xuất tách quy định tuổi nghỉ hưu sang hai luật. Với lao động trực tiếp thì quy định trong Bộ luật Lao động, còn tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức thì sang Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Ông Lợi nói: "Nếu theo phương án đó, Quốc hội có thể quy định nguyên tắc để Chính phủ căn cứ vào tăng trưởng kinh tế - xã hội mà điều chỉnh dần tuổi nghỉ hưu ở khu vực lao động sản xuất trực tiếp".
Trước nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, Trưởng ban Soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) khẳng định: Ban Soạn thảo sẽ ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp, nhưng quyết định như thế nào còn phải cân nhắc và thảo luận, nhất là đối với một bộ luật có tác động sâu rộng tới nhiều đối tượng như Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) không thể thỏa mãn yêu cầu của tất cả các đối tượng nhưng Ban Soạn thảo sẽ tìm ra phương án hợp lý nhất để tạo ra sự ổn định, hài hòa, tiến bộ, phục vụ NLĐ, vì NLĐ, song cũng phải vì sự phát triển của đất nước. Trong đó, doanh nhân, doanh nghiệp cũng là những đối tượng đáng quan tâm.
Bình luận (0)