Lần đầu tiên tỉnh Quảng Bình đưa người lao động (NLĐ) địa phương đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giải quyết việc làm cho lao động nghèo ở nông thôn.
Cơ hội thoát nghèo
Anh Phạm Xuân Mỹ và chị Đinh Thị Ánh Hồng (ngụ xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) là 1 trong 3 cặp vợ chồng được trúng tuyển đợt 1 trong 42 trường hợp được tuyển chọn đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. "Để ra nước ngoài làm việc, vợ chồng tôi sẽ gửi 3 con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc. Chúng tôi chỉ mong có tiền lo cho con ăn học, khi trở về sẽ có một số vốn nho nhỏ để làm ăn và có thể ứng dụng những kiến thức, kinh nghiệm làm việc ở Hàn Quốc vào cuộc sống" - anh Mỹ tâm sự.
42 lao động được tuyển chọn lần này thuộc diện hộ nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số và người vừa hoàn thành nghĩa vụ công an, quân đội. Đặc biệt, yêu cầu đưa ra là không tuyển chọn NLĐ có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Thời gian làm việc 5 tháng, công việc là thu hoạch, trồng trọt và quản lý hoa màu, nông sản.
42 lao động đợt 1 tại tỉnh Quảng Bình tham gia lớp đào tạo định hướng trước khi xuất cảnh
Anh Nguyễn Xuân Ái (ngụ xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết gia đình anh có 5 người, nhiều năm qua phụ thuộc vào 4 sào ruộng để kiếm sống, thời gian rỗi thì đi phụ hồ để có đồng vô đồng ra. "Tôi sẽ nỗ lực làm việc và chấp hành tốt các quy định của nước sở tại. Bởi đây không chỉ là công việc tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn để tạo ấn tượng đẹp của lao động Việt Nam trong mắt doanh nghiệp" - anh Ái nói.
Với công việc thời vụ tại Hàn Quốc có thu nhập hơn 40 triệu đồng/người/tháng nhưng chỉ tốn khoảng 25 triệu đồng/người cho các chi phí xuất cảnh là điều kiện lý tưởng với NLĐ tham gia dự án này. Theo nhiều NLĐ đi đợt này, khi có công việc mới tại Hàn Quốc hy vọng sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo cho chính mình và là cơ hội nghề nghiệp của nhiều NLĐ ở Quảng Bình.
Nguồn cung dồi dào
Những lao động được tuyển chọn đợt 1 này có độ tuổi từ 30-45, không có tiền án, không thuộc diện cấm xuất cảnh; đã tốt nghiệp THCS trở lên và có hiểu biết ngành nghề, công việc trong nông nghiệp theo yêu cầu của người sử dụng lao động, làm việc tại TP Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc).
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Quảng Bình, ngay sau khi kết thúc thời gian tuyển chọn, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ đăng ký của NLĐ và gửi danh sách về Sở LĐ-TB-XH xem xét về sức khỏe, hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp với đại diện chính quyền thành phố Yeongju. Sau đó, người trúng tuyển được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức đào tạo tiếng Hàn, giáo dục định hướng, bảo đảm cung cấp cho NLĐ những kỹ năng, kiến thức cơ bản trước khi xuất cảnh.
Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình, cho biết để các bước thực hiện bảo đảm đúng tiến độ và yêu cầu từ phía Hàn Quốc đưa ra, sở đã phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ NLĐ trong việc thực hiện ký kết hợp đồng lao động theo đúng quy định, đồng thời có trách nhiệm đưa, đón và quản lý NLĐ từ khi xuất cảnh đến khi kết thúc hợp đồng, quay về địa phương.
"Tất cả quy trình tuyển chọn lao động được thực hiện công khai, minh bạch, lựa chọn đúng đối tượng. Chúng tôi đã trực tiếp đến Đại sứ quán Hàn Quốc ở Hà Nội để lấy visa cho NLĐ, hỗ trợ đặt vé máy bay khứ hồi, hướng dẫn những thủ tục cần thiết, nhằm bảo đảm những điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ xuất cảnh vào ngày 18-4 theo kế hoạch đề ra" - bà Lan nói.
Theo bà Lan, nếu đợt 1 đưa NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc diễn ra thuận lợi, theo thỏa thuận đã ký kết, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục tuyển dụng các đợt tiếp theo với số lượng từ 100 - 300 lao động. Đây là thị trường lao động đầy tiềm năng, phù hợp với nguồn lao động dồi dào, chủ yếu làm nông nghiệp như Quảng Bình.
Giải quyết việc làm, tăng thu nhập
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khẳng định việc đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc sẽ góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho NLĐ nghèo; đa dạng hóa các hình thức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp, nhất là đối với lao động nông thôn và giảm nghèo bền vững. Đây cũng chính là cơ hội để NLĐ được tiếp cận, học tập, nắm bắt kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp tại Hàn Quốc để trở về ứng dụng và phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Bình luận (0)