xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người lao động thắng kiện sau 6 lần xét xử

Thành An (Báo Lao động Đồng Nai)

Sáng 20-3, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đồng Nai mở phiên xét xử phúc thẩm lần 3 vụ án tranh chấp lao động giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Thanh Uyển (41 tuổi, ngụ tại quận 9, TP HCM) và bị đơn là Công ty TNHH Shinwa Việt Nam (KCN Amata).

Thứ tự từ phải qua trái: Luật sư Lê Tấn Tý; Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà; chị Uyển và anh Trịnh Văn Lợi (người đại diện ủy quyền của chị Uyển)
Thứ tự từ phải qua trái: Luật sư Lê Tấn Tý; Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà; chị Uyển và anh Trịnh Văn Lợi (người đại diện ủy quyền của chị Uyển)

Đến sáng 21-3, tòa tuyên án và buộc công ty phải bồi thường cho chị Uyển tổng số tiền hơn 844 triệu đồng vì công ty đã cho người lao động nghỉ việc trái pháp luật. Vụ án kéo dài hơn 5 năm với 6 lần xét xử (cấp tòa sơ thẩm 3 lần, cấp tòa phúc thẩm 3 lần), cuối cùng người lao động (NLĐ) đã thắng kiện.

Mất việc sau khi nghỉ thai sản

Năm 2008, chị Uyển được Công ty TNHH Shinwa Việt Nam tuyển vào làm kế toán trưởng với tổng mức lương hơn 16 triệu đồng/tháng. Trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) ghi rõ chị được xe đưa rước từ nhà đến công ty tại Amata để làm việc. Ngày 1-11-2011, chị Uyển xin nghỉ thai sản (theo quy định cũ là 4 tháng). Trong thời gian nghỉ thai sản, theo yêu cầu của lãnh đạo, chị vẫn đến công ty để làm việc 22 ngày trong tháng 11 và tháng 12-2011.

Đến ngày đi làm, chị Uyển vẫn ra điểm xe đưa đón như thường lệ nhưng không thấy tài xế đến rước. Chị gọi điện thoại nhưng Ban giám đốc không nghe máy, gọi điện cho tài xế thì được biết là: “Tổng giám đốc không cho dừng xe đón chị”. Sau đó chị phải tự chạy xe máy từ TP. Hồ Chí Minh đến công ty để làm việc. Tại đây, chị bị bảo vệ ngăn lại không cho vào cổng. Chị nộp đơn yêu cầu giải quyết quan hệ lao động nhưng công ty không trả lời. Bỗng dưng mất việc mà không rõ lý do, chị đã đến Phòng lao động, thương binh và xã hội TP. Biên Hòa nhờ đứng ra tổ chức hòa giải nhưng không thành.

Để bảo vệ quyền lợi cho chị Uyển, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai đã cử luật sư hỗ trợ pháp lý cho chị làm đơn khởi kiện công ty ra tòa và trực tiếp tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chị tại tòa.

Hai cấp tòa bất nhất quan điểm

Vụ án kéo dài nhiều năm nay vì hai cấp tòa bất nhất quan điểm, mỗi lần tòa án cấp sơ thẩm xử chị Uyển thắng kiện đều bị cấp tòa phúc thẩm trả hồ sơ yêu cầu xét xử lại.

Cụ thể, ngày 22-5-2013, TAND TP. Biên Hòa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 1. Tòa nhận định, việc công ty không cho xe đưa rước, không cho NLĐ vào làm việc, chuyển nơi làm việc mà không gửi thông báo... là trái với quy định của pháp luật. Điều đó cũng có nghĩa là công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật đối với NLĐ. Do đó, tòa buộc công ty phải nhận chị Uyển trở lại làm việc, đồng thời bồi thường cho NLĐ tổng số tiền hơn 364 triệu đồng. Không đồng tình với bản án, công ty đã làm đơn kháng cáo.

Ngày 14-4-2014, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần 1. Tòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho tòa sơ thẩm thu thập chứng cứ và xét xử lại. Lý do, có nhiều tình tiết liên quan cần phải thu thập, làm rõ như: công ty di dời trụ sở về nơi mới có thông báo cụ thể không, chị Uyển có nhận được thông báo đó không, cấp tòa sơ thẩm chưa xác minh làm rõ việc chị Uyển sau khi sinh 10 ngày đã đi làm…

Ngày 31-12-2014, TAND TP. Biên Hòa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2. Lần này, Tòa tiếp tục chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Uyển và buộc công ty phải nhận chị Uyển trở lại làm việc; đồng thời phải thanh toán cho NLĐ tổng số tiền hơn 681 triệu đồng. Công ty không chấp nhận nội dung bản án nên tiếp tục kháng cáo. Ngày 25-8-2015, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần 2, bác bỏ bản án và giao toàn bộ hồ sơ cho cấp tòa sơ thẩm xét xử lại. Lý do, cấp tòa sơ thẩm chưa làm rõ chị Uyển có biết hay không việc công ty thay đổi địa điểm trụ sở mới, mức lương mà chị Uyển thực lãnh…

Ngày 29-9-2016, TAND TP. Biên Hòa mở phiên xét xử sơ thẩm lần 3. Lần nay, tòa vẫn giữ quan điểm như 2 lần xét xử sơ thẩm trước là buộc công ty phải nhận chị Uyển trở lại làm việc, đồng thời bồi thường cho chị với tổng số tiền hơn 934 triệu đồng gồm: tiền lương trong những ngày không được làm việc, bồi thường 2 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, trả tiền lương 22 ngày của tháng 11 và 12-2011. Ngoài ra, công ty phải đóng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đầy đủ cho NLĐ. Phía công ty tiếp tục kháng cáo.

Người lao động thắng kiện

Lần này, Phó chánh án TAND tỉnh Triệu Thị Huỳnh Hoa đã trực tiếp thụ lý hồ sơ và đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần 3 vào ngày 20-3.

Tại phiên tòa, phía công ty vẫn giữ quan điểm cho rằng, công ty không đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ mà do chị Uyển tự ý nghỉ. Cho đến thời điểm này công ty không hề ra quyết định hay văn bản nào thể hiện việc chấm dứt hợp đồng đối với NLĐ. Chị Uyển bị bảo vệ không cho vào không phải là sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty. Còn việc công ty di dời văn phòng từ Đồng Nai lên TP. Hồ Chí Minh là có thông báo chung cho NLĐ. Chị Uyển đi làm tháng 11 và 12-2011 tại nơi làm việc mới, tức chị cũng biết được việc công ty di dời văn phòng…

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Vũ Ngọc Hà lập luận, công ty cho rằng chị Uyển tự đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không thông báo là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi trong HĐLĐ ghi rõ, NLĐ đi làm phải có xe của công ty đưa rước. Bây giờ công ty không cho xe đến đưa đón thì làm sao NLĐ đến được công ty. Hơn nữa, nếu chị Uyển muốn nghỉ thì cớ gì chị phải tự chạy xe máy đến công ty xin được làm việc, nhưng bảo vệ không cho vào. Còn việc công ty thuê tòa nhà tại TP. Hồ Chí Minh là dùng làm nơi ở cho lãnh đạo công ty. Bởi vì Ban quản lý khu công nghiệp có văn bản xác nhận công ty vẫn hoạt động bình thường tại KCN Amata. Hơn nữa, việc công ty thay đổi nơi làm việc cũng không gửi thông báo trực tiếp cho chị Uyển. “Mong muốn của NLĐ là có việc làm ổn định. Nhiều lần chị Uyển muốn gặp lãnh đạo để giải quyết êm thấm nhưng phía công ty không có thiện chí giải quyết. Thậm chí chị Uyển nhờ Phòng LĐ-TBXH TP. Biên Hòa đứng ra tổ chức hòa giải nhưng không thành. Vì vậy, việc chị Uyển kiện công ty ra tòa với các nội dung nêu trên là hoàn toàn có căn cứ”, ông Hà nói.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và theo dõi phần tranh luận các bên, Hội đồng xét xử cho rằng, việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với chị Uyển là trái với quy định pháp luật nên đã bác bỏ toàn bộ đơn kháng cáo. Đồng thời yêu cầu công ty phải bồi thường cho NLĐ tổng số tiền hơn 844 triệu đồng, gồm tiền lương trong những ngày không được làm việc, bồi thường 2 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật và thanh toán tiền trong 22 ngày làm thêm. Ngoài ra, công ty phải truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ cho NLĐ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo