Vừa qua, TAND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa vụ án “Yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo và thiệt hại kinh tế” giữa nguyên đơn là Công ty M.H (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và bị đơn là ông Nguyễn Vĩnh Lập ra xét xử sơ thẩm. Kết thúc xét xử, TAND TP Vũng Tàu tuyên buộc ông Lập phải bồi thường hơn 1,2 tỉ đồng cho Công ty M.H. Việc ông Lập bị công ty sa thải chứ không phải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật nhưng bị buộc bồi thường chi phí đào tạo là chưa từng có tiền lệ.
Sai hình thức nhưng nội dung vẫn được thừa nhận!
Năm 2009, ông Nguyễn Vĩnh Lập được Công ty M.H tuyển dụng, giữa hai bên có ký HĐLĐ và đào tạo. Đến năm 2013, ông Lập xin nghỉ phép 11 ngày. Hết hạn nghỉ phép, ông Lập tiếp tục gửi đơn xin nghỉ việc riêng không hưởng lương nhưng công ty không chấp nhận. Lấy lý do ông Lập nghỉ quá 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng nên Công ty M.H ra quyết định sa thải. Sau khi sa thải ông Lập, Công ty M.H kiện ông Lập ra tòa đòi bồi thường chi phí đào tạo và thiệt hại kinh tế hơn 3,6 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử nhận định hợp đồng và phụ lục thỏa thuận riêng biệt về quan hệ lao động và quan hệ đào tạo nhưng vẫn lấy tiêu đề “HĐLĐ và đào tạo” là không thống nhất về mặc hình thức do không tuân theo biểu mẫu quy định. Về thời hạn lao động trong HĐLĐ và đào tạo, hai bên thỏa thuận thời hạn HĐLĐ 5 năm là vi phạm pháp luật lao động.
Tuy nhận định như vậy nhưng hội đồng xét xử vẫn cho rằng nội dung của hợp đồng và nội dung của phụ lục không tách rời nhau, không mâu thuẫn nên không làm ảnh hưởng đến thời gian, quyền, nghĩa vụ của các bên khi tham gia quan hệ lao động và quan hệ đào tạo nên là hợp pháp... Từ nhận định trên, TAND TP Vũng Tàu tuyên ông Lập phải bồi thường chi phí đào tạo cho Công ty M.H là hơn 1,2 tỉ đồng.
Thiếu căn cứ
Sau khi xem bản án, luật sư Võ Văn Mẫn, Công ty Luật TNHH Thanh & Cộng sự, phân tích: Theo quy định tại điều 43 Bộ Luật Lao động về nghĩa vụ của người lao động (NLĐ) khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì NLĐ “phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo quy định tại điều 62 của bộ luật này”.
Chi phí đào tạo là các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng BHXH, BHYT cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp NLĐ được gửi đi đào tạo nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài. Còn điều 62 Bộ Luật Lao động là điều luật quy định về việc NLĐ và NSDLĐ phải ký hợp đồng đào tạo nghề, trong đó thỏa thuận về việc NSDLĐ bỏ kinh phí để đào tạo NLĐ thì NLĐ có trách nhiệm trở lại làm việc cho NSDLĐ trong một thời gian nhất định do hai bên thỏa thuận.
“Theo các quy định trên thì chỉ khi nào NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì mới phải bồi thường chi phí đào tạo; trong khi đó tại Công ty M.H không xảy ra sự kiện pháp lý này. Vì vậy, việc bản án lao động sơ thẩm của TAND TP Vũng Tàu tuyên buộc NLĐ sau khi bị sa thải phải bồi thường chi phí đào tạo là không đúng quy định của pháp luật lao động hiện hành. Trong trường hợp này, HĐLĐ chấm dứt là do ý chí của NSDLĐ, không phải do NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nên không thể áp dụng điều luật này trong xét xử” - luật sư Võ Văn Mẫn khẳng định. Cũng theo luật sư Võ Văn Mẫn, nếu trong HĐLĐ và đào tạo giữa các đương sự có quy định khi NLĐ bị sa thải thì phải bồi thường chi phí đào đạo cho NSDLĐ thì vẫn là trái luật.
Đồng quan điểm trên, luật sư Hồ Nguyễn Lễ, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng trong hợp đồng đào tạo phải quy định trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo của NLĐ. Giả sử trong hợp đồng chỉ quy định nghĩa vụ bồi thường khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật chứ không có thỏa thuận về việc bị sa thải vẫn phải phải bồi thường chi phí đào tạo thì việc công ty yêu cầu bồi thường là không có căn cứ. Tòa án không có cơ sở để xem xét.
Có quyền kháng cáo
Theo thạc sĩ Ngô Thế Tiến, nguyên thẩm phán TAND TP HCM, phần “nhận thấy” và “nhận định” của bản án, hội đồng xét xử cũng đã phân tích những nội dung, cơ sở và căn cứ pháp luật. Còn việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật chỗ nào đương sự thấy chưa đúng, sai sự thật, sai lệch hồ sơ... thì có quyền kháng cáo xét xử phúc thẩm lại toàn bộ vụ án.
Bình luận (0)