Chưa có thống kê chính xác các vụ tranh chấp tại công ty này song cái tên “Công ty Nissey” thì nhiều người, nhất là CN tại KCX Tân Thuận, nhớ rất rõ. Có thể nói đây là trường hợp cá biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản bởi các nhà đầu tư từ đất nước mặt trời mọc thường rất nghiêm chỉnh tuân thủ luật và xem trọng người lao động chứ không có kiểu nói như thách thức “CN nào không chia sẻ với công ty có thể tìm công việc khác”.
Tương tự Nissey, Công ty Woodworth Wooden Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) cũng là một “khuôn mặt thân quen” với rất nhiều vụ tranh chấp, ngừng việc. Năm 2005, tại công ty xảy ra ngừng việc kéo dài vì công ty vi phạm hàng loạt chế độ chính sách đối với người lao động. Năm 2010, một vụ ngừng việc liên quan đến lương, thưởng, phụ cấp cũng bước sang ngày thứ 5 mới giải quyết ổn thỏa. Vụ ngừng việc đầu năm 2016 mới đây cũng cho thấy cách hành xử của hơn 10 năm trước tiếp tục tái diễn: Cái gì có lợi cho công ty thì làm, bất chấp điều đó gây thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi người lao động, làm tổn hại quan hệ lao động vốn đã tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Một cái tên cũng không kém phần “đình đám” mấy hôm nay là Công ty Pou Chen Việt Nam (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Điểm nổi bật khiến người ta nhớ ngay đến Pou Chen Việt Nam là bởi ngừng việc ở công ty từ trước đến nay luôn có số lượng CN tham gia lên đến con số hàng chục ngàn và kéo dài rất nhiều ngày...
“Đừng hy vọng họ thay đổi. Chúng tôi có mặt ở đây là vì miếng cơm manh áo chứ niềm tin dành cho công ty là con số 0” - một nữ CN Công ty Woodworth Wooden Việt Nam nói. Nếu điều này là sự thật thì đó quả là một sự thật đau lòng. “Ở đời, thường khi gặp lại người quen, ta sẽ rất vui mừng nhưng với những “người quen” là các doanh nghiệp có truyền thống chèn ép người lao động thì không gặp vẫn tốt hơn” - vị cán bộ Công đoàn các KCX-KCN TP buồn bã nói.
Bình luận (0)