Xu hướng việc làm trong tương lai là người lao động (NLĐ) thích làm việc ngắn hạn, không muốn ràng buộc bởi hợp đồng lao động, một người làm việc cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN). Với công nghệ phát triển vượt bậc, NLĐ có thể làm việc bất cứ nơi đâu, mô hình công sở truyền thống bị thu hẹp. Đó là thông điệp được đưa ra tại hội thảo "Việt Nam 4.0 - Tương lai công việc, nguồn nhân lực và môi trường làm việc" do Công ty Anphabe phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.
Còn quá nhiều rào cản
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc Công ty Anphabe, cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến rất gần nhưng nhiều DN và NLĐ vẫn chưa sẵn sàng thay đổi. Nguyên nhân là bản thân người đứng đầu các DN chưa hiểu hoặc hiểu mơ hồ về cuộc cách mạng này. Đội ngũ quản lý chưa tin vào công nghệ và chưa muốn thay đổi. Một nguyên nhân lớn cản trở sự thay đổi là có sự xung đột giữa 2 thế hệ: thế hệ X (những người sinh năm 1961 đến 1981) và thế hệ Y (những người sinh năm 1981 đến 1996). Thế hệ X cho rằng thế hệ Y háo thắng, xốc nổi, hời hợt. Ngược lại, thế hệ Y cũng cho rằng thế hệ X khó tính, bảo thủ và khó gần.
Còn đối với NLĐ, hiện tượng "Zombie công sở" vẫn đang diễn ra, nghĩa là NLĐ đi làm nhưng không hết mình, không gắn kết với công việc và cũng không chịu ra đi. Theo khảo sát, cứ 12 NLĐ thì có 3 người là "Zombie công sở". Đây là rào cản lớn cho sự thay đổi của DN. Một nguyên nhân khác là lứa tuổi vàng để khởi nghiệp hiện nay từ 31 đến 35 tuổi, những NLĐ có năng lực ở lứa tuổi này sẵn sàng nghỉ việc.
"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu NLĐ phải có những yếu tố như khả năng công nghệ, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề phức tạp, khả năng truyền thông, dẫn dắt và hợp tác. Nhưng qua khảo sát 62.268 người đi làm, Anphabe thấy rằng chỉ có 54% NLĐ đáp ứng được nhu cầu này. Đó cũng là rào cản rất lớn cho sự thay đổi của DN trong chuyến tàu 4.0" - bà Thanh Nguyễn dẫn chứng.
Công ty TNHH Juki Việt Nam - KCX Tân Thuận mở lớp đào tạo công nhân kỹ thuật tại doanh nghiệp
Ai cũng phải thay đổi
Nói về sự thay đổi để thích nghi theo yêu cầu mới, tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thế Giới Di Động, cho rằng: "Thông thường, NLĐ chưa thấy được sự thành công của sự thay đổi mà họ chỉ thấy những rủi ro. Do vậy, bản thân người lãnh đạo cao nhất của DN phải thấy được sự thay đổi, việc áp dụng công nghệ mới vào DN là yếu tố sống còn. DN muốn thay đổi thành công, bên cạnh quyết tâm của lãnh đạo, phải có sự lôi cuốn, tạo được đồng thuận của trưởng các bộ phận. Nói thế không phải DN đầu tư công nghệ mới bằng mọi cách mà phải "liệu cơm gắp mắm" và khi làm phải làm đến nơi đến chốn, tránh hiện tượng đầu voi đuôi chuột chỉ làm DN tốn tiền và thời gian".
Bà Thanh Nguyễn cho rằng để có sự thay đổi, các DN nên có những giải pháp mạnh về mặt nhân sự. Thay vì định nghĩa công việc theo truyền thống, DN nên có sự "đả thông tư tưởng", đưa ra những yêu cầu sát với công việc, thay vì đòi hỏi chung chung như trước. DN phải tái cấu trúc nguồn nhân lực, xu hướng sử dụng nhân sự tạm thời, bán thời gian gia tăng. Nhiều khâu, dây chuyền phải được DN đầu tư tự động hóa. Trong tương lai, nhiều phòng ban được sáp nhập và NLĐ phải có kỹ năng làm việc nhóm, hỗ trợ cho nhau. Song song đó, DN phải đổi mới nơi làm việc, không quản lý về mặt thời gian, thay vào đó hãy quản lý hiệu quả công việc.
Còn về phía NLĐ, để thay đổi được, theo bà Huỳnh Thụy Mai Phương, Giám đốc nhân sự Công ty Sanofi Đông Dương, đàm phán và thuyết phục là 2 kỹ năng không thể thiếu được của NLĐ trong tương lai. Hai kỹ năng này không hình thành qua đào tạo lý thuyết mà được tích lũy trong quá trình làm việc. Bà Hồ Thị Bạch Quyên, Giám đốc nhân sự PepsiCo Foods, cho rằng NLĐ Việt Nam rất chịu khó học hỏi nên có thể rèn luyện được kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp. Về kỹ năng phân tích, đưa ra quyết định, theo bà Trần Ái Liên, Phó Tổng giám đốc nhân sự AIA Việt Nam, NLĐ Việt Nam chưa có điều kiện tiếp cận và rèn luyện nhiều. Trong tương lai, NLĐ phải cải thiện kỹ năng này để giữ được công việc.
Ông VÕ TẤN THÀNH, Phó Chủ tịch VCCI:
Chọn hướng đi thích hợp
Dù muốn hay không, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) vẫn diễn ra rất mạnh mẽ ở các nước đang phát triển. Nó mang đến cho nhân loại nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay, robot thay thế con người, NLĐ có nguy cơ mất việc. Vấn đề là DN và NLĐ phải chọn hướng đi thích hợp để thay đổi. Bên cạnh kiến thức được đào tạo, học hỏi, NLĐ phải học thêm nhiều kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin… để thích nghi với tình hình mới.
Bình luận (0)