Trong báo cáo trình Quốc hội về tình hình thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) mới đây của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, tôi đặc biệt tâm đắc mấy vấn đề sau:
- Thứ nhất: Với việc mở rộng đối tượng, số thu BHXH từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động trong năm 2014 tăng gấp 6 lần so với năm 2007. Cụ thể, số thu BHXH bắt buộc trong năm 2014 là 130.059,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chuyền, tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền BHXH còn diễn ra phổ biến ở tất cả các địa phương.
- Thứ hai: Tỉ lệ số chi trên số thu của quỹ giảm do tăng 2% mức đóng vào quỹ từ năm 2014 theo quy định và số người tham gia tăng. Tổng số kết dư quỹ BHXH bắt buộc là 305.799 tỉ đồng.
- Thứ ba: Chi quản lý bộ máy (bao gồm chi quản lý BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) ước thực hiện trong năm 2014 là 4.115 tỉ đồng, tăng 7,35% so với số thực hiện năm 2013.
Từ 3 vấn đề này, tôi có một số ý kiến như sau:
- Thứ nhất là dù tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH vẫn còn phổ biến ở tất cả các địa phương trong cả nước nhưng số người tham gia vẫn tiếp tục gia tăng, số thu vẫn tiếp tục gia tăng. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên để pháp luật được thực thi nghiêm và quyền lợi của người lao động cũng như chính sách an sinh xã hội của nhà nước được đảm bảo thì cần có biện pháp để thu đủ, thu đúng. Những doanh nghiệp và cả người lao động trốn đóng, né tránh việc trích nộp BHXH thì phải bị xử nghiêm bởi đây là chính sách BHXH BẮT BUỘC.
- Thứ hai là tỉ lệ số chi trên số thu của quỹ giảm. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến con số kết dư của quỹ BHXH bắt buộc (không tính quỹ BHYT, bảo hiểm thất nghiệp) là 305.799 tỉ đồng. Cùng với lãi suất từ đầu tư quỹ hàng năm (lấy con số của năm 2014) là 25.550 tỉ đồng thì người lao động hoàn toàn yên tâm rằng “nguy cơ vỡ quỹ BHXH” như ai đó nói là xa vời lắm, thậm chí không thể xảy ra.
- Thứ ba là trong năm 2014, chi quản lý bộ máy của cơ quan BHXH tăng 7,35%. Lâu nay dư luận vẫn hay phàn nàn việc BHXH xây trụ sở hoành tráng, trả lương cao... Tuy nhiên, theo tôi đó không phải là vấn đề quan trọng.
Trụ sở tốt, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhân sự giỏi để quản lý tốt là rất nên làm. Điều quan trọng là cung cách phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành BHXH. Người lao động hoàn toàn có quyền đòi hỏi được phục vụ tốt hơn, được coi là thượng đế bởi những người làm trong ngành BHXH đang nhận lương từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ. Không thể chấp nhận cung cách phục vụ quan liêu, cửa quyền, hống hách, hành hạ khách hàng như ở một số nơi hiện nay.
Tôi học ít, chữ nghĩa ít, thấy sao thì nói vậy, không biết có đúng không?
Bình luận (0)