xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà báo "chạy" cùng Bộ Luật Lao động

BÙI PHAN THẢO

Gần như cả nửa đời người, cả tuổi thanh xuân tôi đã trải qua với Báo Người Lao Động. Đây là nơi tôi được sống đúng nghĩa với người và nghề

Có thể nói khoảng thời gian từ năm 1990-1994 là những tháng ngày sôi động của những nhà báo viết về mảng lao động - Công đoàn, nhất là những báo có tòa soạn đóng ở các thành phố lớn trên cả nước.

Đầy tâm huyết, yêu nghề

Lúc này, đất nước ngày càng đi sâu vào đổi mới, hòa nhập quốc tế, gia nhập các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về lao động. ILO cũng giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện Bộ Luật Lao động (BLLĐ) với các điều khoản phù hợp dòng chảy lao động thế giới hiện hữu. Trong nước, các doanh nghiệp (DN) ra đời, đi vào hoạt động ngày càng nhiều, nhà nước đẩy mạnh chủ trương mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài.

Luật Đầu tư nước ngoài ban hành cuối năm 1987, sửa đổi bổ sung giữa năm 1990 và cuối năm 1992. Hình thức DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lúc đó chủ yếu là liên kết, liên doanh, chưa có nhiều DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. Lúc này chưa có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI) là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Lúc này, nước ta chưa có BLLĐ vì quan hệ lao động trước đó chưa đa dạng, còn nhiều ảnh hưởng của bao cấp. Trong quan hệ lao động, văn bản pháp luật quan trọng nhất thời đó là Pháp lệnh hợp đồng lao động (HĐLĐ) và Nghị định 165/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 12-5-1992 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh này với những điều khoản quan trọng về HĐLĐ, trợ cấp thôi việc, hòa giải lao động.

Nhưng 28 điều khoản của nghị định không đủ giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn sinh động và đa dạng, bởi quan hệ kinh tế, lao động càng phát triển, vượt khỏi khuôn khổ thông thường. Pháp luật lao động đòi hỏi phải có một bộ luật mới đủ sức điều chỉnh các mối quan hệ trong yêu cầu phát triển của đất nước thời hội nhập.

Lúc này, quan hệ lao động trở nên cực kỳ sinh động, các báo lớn đều cử phóng viên theo dõi và trong các nhà báo đều có sự ganh đua bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ nhau. Phương tiện tác nghiệp chủ yếu cây bút, quyển sổ và máy ảnh cơ chụp phim 36 tấm (sau này mới có máy ảnh kỹ thuật số với thẻ nhớ. Đi tác nghiệp về bao giờ cũng ghé tiệm ảnh trước, nhờ tráng rọi rồi về cơ quan ngồi hì hục viết bài. Viết xong chạy ra tiệm ảnh đem về, viết chú thích gửi kèm bài vào tòa soạn.

Internet chưa có, phương tiện làm báo ở tòa soạn cũng chỉ có mấy máy đánh chữ, sau này có máy vi tính thì gọn nhẹ hơn, song vẫn dàn trang, in nhũ, tách màu ảnh rồi làm support mới chuyển nhà in. Phương tiện di chuyển của phóng viên cũng chỉ chạy xe máy. Tuổi còn trẻ và yêu nghề nên lăn xả. Dù đình công lớn ở Củ Chi hay Đồng Nai, tai nạn lao động ở Bình Chánh, Long An, chúng tôi cũng không ngại xa xôi chạy đến nơi, ghi nhận hiện trường, tác nghiệp.

Nhà báo chạy cùng Bộ Luật Lao động - Ảnh 1.

Từ phải qua: Bà Hoàng Thị Khánh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM - trao bằng khen cho các nhà báo Bùi Phan Thảo, Minh Hà, Kim Hiền và Nguyễn Quốc Dũng vào cuối năm 1997

Thực tiễn sinh động, lý luận phong phú

Những năm tháng đó có rất nhiều ngày "chạy" cùng BLLĐ, bởi các tình huống phát sinh trong quan hệ lao động thường ngày, các chuyên gia lao động, các cán bộ Công đoàn đều nhập cuộc, tìm cách giải quyết, nếu ngoài thẩm quyền thì hỏi các bộ, ngành. Bên cạnh đó là rất nhiều cuộc hội thảo chuyên đề để xây dựng các chương, điều của BLLĐ.

Trên diễn đàn, các vấn đề nêu ra nóng hừng hực, đại biểu tranh luận nhiều chiều. Cánh nhà báo về lao động chúng tôi lúc này cũng đều có kiến thức khá rộng về pháp luật lao động, cũng nhiều trăn trở bởi trải nghiệm thực tế khi tác nghiệp, chúng tôi phỏng vấn, đặt vấn đề, phản biện, đưa giải pháp. Những bài báo nóng hổi tính thời sự và mang hàm lượng thông tin, kiến thức khá rộng được chuyển tải đến bạn đọc. Đó không chỉ là một cuộc đình công, vấn đề hợp đồng lao động hay trợ cấp thôi việc cho công nhân (CN), mà còn là trả lương như thế nào cho đúng, tiền lương làm thêm giờ trả như thế nào là thỏa đáng…

Bên cạnh đó là vệt thông tin xã hội, đặt vấn đề sao lại ngăn dòng nhập cư vào đô thị, điều đó trái với Hiến pháp và quyền cư trú, quyền làm việc của công dân hay những trang viết đặc tả về việc làm, đời sống của lực lượng lao động phi kết cấu, những người làm nên bức tranh "kinh tế vỉa hè" hoặc góp sức cùng tìm lối ra cho người đạp xích lô khi những ngả đường sầm uất của nội thành đều không cho xích lô lăn bánh.

Trong quan hệ công việc hằng ngày, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của các cán bộ CĐ TP HCM các cấp, từ cơ sở tới cấp trung ương; của rất nhiều anh chị chuyên viên của ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH). Tôi vẫn nhớ hai phòng của Sở LĐ-TB-XH chúng tôi "thăm" nhiều nhất là Phòng Việc làm và Phòng Quản lý lao động nước ngoài, cùng Thanh tra của sở.

Qua riết, cả sở quen mặt, xem chúng tôi như người nhà, phòng ban nào cũng trò chuyện được. Các chuyên viên của LĐLĐ TP, của Sở LĐ-TB-XH đều hết lòng giúp những phóng viên trẻ chúng tôi ngày ấy rất nhiều. Chính họ là người tiếp xúc công nhân - lao động, giải quyết công việc hằng ngày, thấy rõ những vấn đề phát sinh. Có cái họ sẵn sàng chia sẻ, báo cho phóng viên biết để thông tin rộng rãi, cũng nhằm giúp giải quyết vụ việc nhanh hơn. Cũng có cái vì lý do tế nhị, chưa tiện công bố. Nên phóng viên giỏi là phán đoán được, tìm cách moi tin. Khi họ chấp thuận thì cùng họ phân tích thấu đáo, tìm giải pháp.

Chúng tôi xem họ như những người thầy, anh chị trong gia đình và họ cũng quý những phóng viên yêu nghề, biết đưa những vấn đề phản ánh thành thông tin, giải pháp và cũng giúp họ xử lý công việc hiệu quả hơn.

Đa số các quan chức hay chuyên viên Bộ LĐ-TB-XH, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội hay Tổng LĐLĐ Việt Nam thời đó cũng đều thân thiết, cởi mở với những phóng viên mà họ biết là yêu nghề, có kiến thức nền, tâm huyết với nghề nghiệp, với hiện tình đất nước và am hiểu lĩnh vực theo dõi. Họ sẵn sàng cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn, chỉ rõ thêm cho phóng viên mở mang tầm nhìn.

Từ những hội thảo về BLLĐ cùng những chuyến đi thực tế cơ sở, rất nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra, giải quyết từ thực tiễn. Từ thực tiễn lại làm giàu có thêm lý luận, trở thành các chế định luật pháp.

Nhà báo chạy cùng Bộ Luật Lao động - Ảnh 2.

Các đại biểu dự lễ ra mắt Nghiệp đoàn Đầu bếp TP HCM, nghiệp đoàn nghề đầu bếp đầu tiên của cả nướcẢnh: LÊ MINH

"Đòi" quyền lợi cho người lao động

Tôi đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong những tháng ngày lăn xả đó. Chẳng hạn câu chuyện lương hưu cũng bị đóng thuế thu nhập. Vào thời điểm đó, chuyện này cũng là một sự lạ, bởi hiếm khi khoản lương hưu lại đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Nhưng trên thực tế, không ít người lao động (NLĐ) Việt Nam làm việc trong các công ty nước ngoài, do nền lương công ty trả cho họ rất cao so với mặt bằng tiền lương trong các DN Việt Nam thời ấy và mức đóng BHXH cũng rất cao, nên khi họ nghỉ hưu, khoản lương hưu họ nhận hằng tháng thực sự là một khoản thu nhập không nhỏ. Song không phải vì mức cao mà đóng thuế TNCN như một khoản thu nhập thường xuyên, trong khi thực chất lương hưu là một dạng trợ cấp xã hội.

Báo Người Lao Động đã viện dẫn Pháp lệnh số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19-5-2001 về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Theo đó, các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập bao gồm: tiền trợ cấp xã hội, bồi thường bảo hiểm, trợ cấp thôi việc, tiền nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật… Lương hưu là khoản để NLĐ trang trải cuộc sống khi đã thôi làm việc, trở về an hưởng tuổi già. Đánh thuế TNCN với lương hưu là không đúng quy định của pháp lệnh này. Sau đó, Tổng cục Thuế đã điều chỉnh, không thu thuế TNCN với lương hưu của NLĐ.

Một số vấn đề lao động đáng quan tâm khác trong thời điểm đó là cung ứng lao động. Tư nhân có được tham gia hay không, ngành nào quản lý dịch vụ này, cho thuê lại lao động có được phép không hay là hình thức kinh doanh lao động? Tất cả đã được đặt lên để xuống, phân tích hết lẽ để rồi đưa vào BLLĐ.

Thời điểm này cũng rộ lên hình thức tiếp thị cho các hãng đồ uống và làm nhân viên công ty bảo hiểm thương mại. Họ có phải là NLĐ không, khi quan hệ giữa họ mang tính giao kết về kinh tế nhiều hơn, thế nhưng chừng mực nào đó và nhiều trường hợp lại là quan hệ lao động, có hành vi lao động. Vậy giao kết hợp đồng như thế nào là phù hợp khi giao thoa giữa lao động và dân sự - kinh tế? Chúng tôi đặt vấn đề, phân tích và nhờ các chuyên gia kiến giải…

Kỷ niệm đáng nhớ khác với tôi trong thời gian đó là "đòi" quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho xã viên hợp tác xã (HTX). TP HCM là địa phương đi đầu với những mô hình sáng tạo, trong đó có sáng kiến thí điểm lập công ty BHXH, mô hình đầu tiên về BHXH của cả nước, góp phần vào lý luận và thực tiễn về BHXH sau này. Tháng 2-1995, Chính phủ thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất chức năng, nhiệm vụ của Bộ LĐ-TB-XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Theo quy định mới, một số đối tượng làm việc trong các cơ quan, DN Nhà nước được xét thời gian làm việc là thời gian tham gia BHXH để hưởng quyền lợi BHXH. Một số đối tượng khác được xét tham gia BHXH là những nơi có quan hệ lao động, nhưng xã viên HTX lại bị "lọt sổ", đó là thiệt thòi. Báo Người Lao Động viết bài "Vì sao chúng tôi không được đóng BHXH?", phân tích nhiều người trong các HTX cũng là những NLĐ vì có quan hệ lao động. Dù là mô hình kinh tế tập thể, nhiều người vừa làm chủ vừa làm thuê song có nhiều HTX hoạt động như DN, thậm chí Saigon Co.op lúc đó còn như một tổng công ty, hoạt động hiệu quả, tầm ảnh hưởng lớn. Do đó, nên giải quyết cho NLĐ trong HTX đóng BHXH. Sau khi báo đăng, cơ quan chức năng đã tiếp thu, NLĐ trong HTX được đóng BHXH.

Góp phần xây dựng xã hội

Dĩ nhiên, khi quan hệ lao động thời đất nước đổi mới với khí thế hừng hực như vậy sẽ phát sinh nhiều vấn đề nóng. Từ đó cũng ít nhiều ảnh hưởng công việc của một số cán bộ, chuyên viên nếu báo chí đưa tin về mảng của họ quá nhiều và người ngoài gièm pha, quy chụp về hiệu quả quản lý nhà nước.

Biết là vậy, bị nhắc nhở nhưng nhiều người vẫn không quay mặt với phóng viên, vẫn hết lòng hỗ trợ chúng tôi trong công việc (song có những lúc phải ứng xử tế nhị hơn để tránh cho họ bị khiển trách). Các anh chị này cho rằng thông tin báo chí rất cần cho xã hội, báo chí càng làm tốt trách nhiệm của mình thì xã hội phát triển và các anh chị tự hào vì đã làm đúng lương tâm, trách nhiệm. Và hơn hết, tất cả đều phải vận hành trên đường ray pháp luật. Cùng nhau góp ý, xây dựng, hoàn thiện BLLĐ là trách nhiệm chung, không của riêng ai.

Chúng tôi không bao giờ quên về những cuộc tranh chấp lao động, đình công lớn đã xảy ra trong thời gian đó. Có những người thường né tránh, sợ thông tin về đình công, cho rằng ảnh hưởng môi trường đầu tư nước ngoài trong khi ta đang thu hút đầu tư. Điều đó chỉ đúng ở vế sau, bởi không thể làm ngơ trước quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ bị xâm hại. Những cuộc họp, hội thảo chúng tôi cũng nói rõ điều này. Những nhà báo chúng tôi đều hiểu tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài nên đều thông tin thận trọng, có trách nhiệm.

Điển hình là cuộc tranh chấp lao động tại Công ty Sam Yang, huyện Củ Chi, một nhà thầu phụ của Tập đoàn Nike. Tại đây, một chuyên gia kỹ thuật nước ngoài đánh CN đã thành sự kiện lớn. Báo chí thông tin, nhiều người lên tiếng lo ngại ảnh hưởng môi trường đầu tư. Song lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ thời đó đều nói chúng ta cần đầu tư nhưng không bằng mọi giá. Không thể chấp nhận xúc phạm thân thể, nhân phẩm NLĐ Việt Nam. Nhân viên kỹ thuật này bị đưa ra tòa, trục xuất về nước. Sau đó tại Công ty Sam Yang quan hệ lao động cải thiện rất tốt, trở thành DN điển hình. Rõ ràng, khi có thiện chí và hành động tích cực để hiện thực hóa, mọi việc tại DN sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Với những nỗ lực trong tác nghiệp, với lòng yêu nghề, luôn đề cao sự nhanh nhạy trong thông tin, đồng thời báo chí không chỉ phát hiện vấn đề mà còn phải góp phần đưa ra giải pháp, những thông tin của Báo Người Lao Động được ghi nhận, đánh giá cao. Ngoài nhiều giải báo chí của Hội Nhà báo TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam, tôi còn được nhận 3 giải báo chí quốc gia (trong đó có 1 giải chung với đồng nghiệp trẻ Vĩnh Tùng)…

Tới năm 2020 này tôi đã có mặt ở Báo Người Lao Động tròn 30 năm. Có thể nói gần như cả nửa đời người, cả tuổi thanh xuân tôi đã trải qua với Báo Người Lao Động cùng đủ mọi cung bậc, thăng trầm của báo. Tôi hạnh phúc vì điều đó, nhất là khi Báo Người Lao Động ngày càng phát triển lớn mạnh. Báo Người Lao Động là nơi tôi được sống đúng nghĩa với người và nghề.

Thời điểm này cũng rộ lên hình thức tiếp thị cho các hãng đồ uống và làm nhân viên công ty bảo hiểm thương mại. Họ có phải là NLĐ không, khi quan hệ giữa họ mang tính giao kết về kinh tế nhiều hơn. Thế nhưng chừng mực nào đó và nhiều trường hợp lại là quan hệ lao động, có hành vi lao động. Vậy giao kết hợp đồng như thế nào là phù hợp khi giao thoa giữa lao động và dân sự - kinh tế? Chúng tôi đặt vấn đề, phân tích và nhờ các chuyên gia kiến giải…

Những chuyến đi

Bên cạnh thông tin sâu sát về quan hệ lao động, những nhà báo trẻ chúng tôi thời đó cũng xông xáo với những chuyến đi thực tế. Tôi từng thức trắng đêm với CN bốc xếp, đoàn viên nghiệp đoàn chợ rau Mai Xuân Thưởng, quận 6, TP HCM, đón những chuyến xe từ Đà Lạt đổ hàng. Nghiệp đoàn chợ rau Mai Xuân Thưởng là một trong những nghiệp đoàn đầu tiên của TP và cả nước, cùng với Nghiệp đoàn nấu ăn và phục vụ bàn (còn gọi là nghiệp đoàn đầu bếp), trở thành những điển hình, đem lại nhiều kinh nghiệm cho Công đoàn TP HCM trong tổ chức và hoạt động nghiệp đoàn.

Tôi cũng được theo chân chị Hoàng Thị Khánh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM - đến thăm CN trên các công trình trọng điểm những ngày cuối năm, như CN ở công trình thủy điện Thác Mơ (Bình Phước). Những chuyến đi không chỉ để trải nghiệm, làm phong phú vốn sống, vốn nghề, mà còn để dạn dày và trưởng thành về nghề nghiệp, để thấu hiểu và sẻ chia.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo