Được người quen giới thiệu, chị N.H.A.T biết nhà hàng Nem Chợ Huyện (quận Bình Thạnh, TP HCM) mở dịch vụ mới là bán phần ăn sáng mang đi (take away) cho thực khách. Do muốn thay đổi công việc, chị T. nhận lời làm quản lý với nhiệm vụ trông coi các gian hàng ở nhiều điểm trong thành phố, tuyển dụng và quản lý nhân viên ở các quầy hàng.
"Ai tuyển thì người đó trả lương"
"Trong quá trình làm việc, tôi tuyển dụng nhiều sinh viên (SV). Ca làm việc bắt đầu từ 5 giờ đến trưa, các em SV chủ yếu tranh thủ làm thêm dịp hè để trang trải đời sống, đến khi gần tựu trường, một số em xin nghỉ, đến ngày nhận lương thì chủ viện đủ lý do, hứa trả nhưng mãi không thấy" - chị T. cho biết.
Nhân viên công ty trình bày sự thiệt thòi quyền lợi của mình với phóng viên Báo Người Lao Động. Ảnh:ĐẶNG BÁCH
Chưa được thanh toán 28 ngày công, chị T.T.N.V - SV Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP HCM - rất bất bình. Chị cùng nhiều SV khác đăng ký làm việc tại nhà hàng thông qua người quản lý là chị T. Do làm thời vụ nên hai bên chỉ thỏa thuận miệng nhưng trong quá trình làm việc có chấm công và ký nhận đồng phục, tổng quản lý và chủ nhà hàng đều biết việc này. "Đến ngày nhận lương, tôi được chủ thông báo chắc chắn sẽ có. Vậy mà nhiều lần lên xuống nhưng không thấy lương đâu" - chị V. than thở.
Đây là tình huống trớ trêu mà hơn 10 lao động, phần đông là SV làm thêm trong dịp hè, gặp phải khi làm việc cho hệ thống nhà hàng Nem Chợ Huyện. Theo chị T., chủ sử dụng lao động viện dẫn nhiều lý do để hoãn trả lương; sau đó còn nói rằng do không có hợp đồng lao động nên không có cơ sở để trả lương. "Chủ thậm chí còn thách đố nhân viên rằng hợp đồng làm việc đâu, quản lý nhận nhân viên thì cứ đi mà đòi quản lý! Trong khi đó, tôi là quản lý, mới nhận việc chưa đầy 2 tháng, cũng chưa có hợp đồng. Mọi việc đều phải thông qua chủ và tổng quản lý; có giấy tờ, chữ ký, tin nhắn còn lưu lại. Vậy mà bây giờ quỵt lương nhân viên và đổ cho tôi là sao?" - chị T. bức xúc.
Vụ việc kéo dài vì thiếu hòa giải viên
Khi chúng tôi liên hệ với chủ nhà hàng để trao đổi sự việc thì chủ nhà hàng cho rằng đã thanh toán cho một số ít nhân viên, số còn lại chưa thanh toán bởi đây là thành phần tiêu cực, bôi nhọ danh dự và uy tín của hệ thống. Tuy nhiên, chị L.T.N, một trong những nhân viên đã được nhận tiền, cho biết tiền lương được nhận cũng không đủ so với thỏa thuận. "Ban đầu nói miệng thì mức lương một đằng, đến khi nhận lương thì hụt mất một khoản nhưng vì bận đi học nên tôi không có thời gian đi khiếu nại".
Điều đáng nói khi người lao động (NLĐ) đến nhà hàng theo lịch hẹn trả lương thì lại được chủ dẫn sang công an phường làm tường trình với lý do gây mất trật tự và đe dọa nhà hàng. "Kết quả xác minh của công an phường cho thấy hoàn toàn không có việc này. Chúng tôi chỉ đến chờ chủ trả lương như đã hứa một cách trật tự!" - chị V. cho biết.
Quá bức xúc, nhiều NLĐ đã gửi đơn lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Thạnh nhờ can thiệp. Thế nhưng hơn nửa tháng trôi qua, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Lý do là quận đang thiếu hòa giải viên lao động nên không bố trí kịp thời việc hòa giải theo quy định là 5 ngày. Ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, cho biết hiện quận Bình Thạnh chỉ còn một hòa giải viên lao động nên không thể giải quyết kịp tiến độ các vụ tranh chấp.
Theo ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, trong trường hợp này, hợp đồng miệng vẫn có giá trị pháp lý, người sử dụng lao động phải trả đủ lương cho những ngày NLĐ làm việc. Nếu vụ việc không được giải quyết thỏa đáng, NLĐ có thể kiện ra tòa.
Bình luận (0)