Thời gian gần đây, số lượng người lao động (NLĐ) làm hồ sơ đăng ký hưởng BHXH một lần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng cao. Bên cạnh những trường hợp thực sự khó khăn, cần một khoản tiền để chi tiêu, bảo đảm cuộc sống trước mắt, vẫn còn không ít người làm hồ sơ theo "phong trào", chưa hiểu rõ những chính sách ưu việt của BHXH một lần.
Đổ xô nhận BHXH 1 lần
BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết trong tháng 3 vừa qua, toàn tỉnh có hơn 6.200 NLĐ nộp hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần - tăng 56% so với tháng 2. Từ ngày 16-4, khi cơ quan BHXH nhận hồ sơ trực tiếp trở lại của NLĐ, rất đông người đã đến xếp hàng để nộp hồ sơ. Trung bình mỗi ngày, có đến hơn 500 hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm các loại, trong đó đa số là hồ sơ hưởng BHXH một lần. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 12.700 người nhận BHXH một lần - tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo quy định, NLĐ sau khi kết thúc hợp đồng lao động (HĐLĐ), trong vòng 15 ngày sẽ làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Số tiền hưởng BHTN tùy thuộc vào số năm làm việc và mức đóng BHTN của NLĐ. Đến khi đủ 12 tháng kể từ lúc chấm dứt HĐLĐ mà chưa có việc làm mới thì NLĐ có quyền chốt sổ BHXH, nộp hồ sơ xin hưởng BHXH một lần.
Người lao động làm hồ sơ hưởng BHXH một lần tại cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai
Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc NLĐ nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần tăng cao trong thời gian gần đây là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người không tìm được việc làm mới. Trong khi đó, họ cần có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày nên dù biết lấy khoản tiền BHXH một lần sẽ bị nhiều thiệt thòi về sau nhưng vẫn chấp nhận.
Điển hình là trường hợp chị P.T.A (ngụ phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa), trước đây làm việc cho một công ty may mặc ở KCN Amata. A. cho biết hơn một năm trước, chị sinh con. Do con không có người chăm sóc, lại không thuê được người giữ nên sau thời gian nghỉ thai sản, chị buộc phải chấm dứt HĐLĐ ở công ty, ở nhà trông con cho chồng đi làm. Đến nay, đã đủ 12 tháng kể từ ngày kết thúc HĐLĐ, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chị quyết định làm hồ sơ hưởng BHXH một lần.
"Dịch Covid-19 khiến công việc của chồng tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, thu nhập không được như trước trong khi có quá nhiều chi phí cần phải lo. Vì thế, tôi quyết định nhận khoản BHXH một lần này trước. Sau này, khi có thể gửi được con, tôi sẽ đi làm rồi đóng BHXH trở lại, đến đâu hay đến đấy" - chị A. tâm sự.
Cân nhắc thiệt - hơn
Ông Huỳnh Anh Tú, Trưởng Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng - BHXH tỉnh Đồng Nai, cho hay số tiền đóng BHXH bắt buộc chính là thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy, dự phòng cho bản thân NLĐ khi về già. Số tiền này không mất đi mà vẫn được cơ quan bảo hiểm quản lý, đầu tư tăng trưởng. NLĐ có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện cho đủ thời gian hưởng lương hưu.
Chính vì vậy, khi còn trẻ, còn khả năng lao động tạo ra thu nhập, NLĐ không nên sử dụng "của để dành" này. Bởi lẽ, khi không còn khả năng lao động, nếu không có một khoản dự phòng, người đó có thể sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững của Đảng và nhà nước.
Ngoài ra, việc duy trì đóng BHXH để đủ thời gian quy định giúp NLĐ được hưởng nhiều quyền lợi về sau. Cụ thể, ở các thời điểm khác nhau, nhà nước sẽ có sự điều chỉnh về lương hưu để phù hợp với mức sống của người dân. NLĐ khi đủ thời gian đóng BHXH, ngoài quyền lợi về lương hưu còn được cấp thẻ BHYT để dự phòng những lúc ốm đau, bệnh tật.
Đến khi qua đời, người thân của người đó cũng được hưởng trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người hưởng lương hưu qua đời; được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng. Trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì được hưởng tối đa 4 định suất, trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già được hưởng cho đến khi qua đời.
"Vì thế, trước khi làm hồ sơ hưởng BHXH một lần, NLĐ nên đến cơ quan BHXH để được tư vấn thiệt - hơn, cân nhắc kỹ để đưa ra quyết định sáng suốt, tránh ân hận về sau" - ông Huỳnh Anh Tú nhấn mạnh.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai có gần 806.000 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 26.300 người so với cuối năm 2019. Số người tham gia BHTN là 786.600, chiếm 46,5% lực lượng lao động toàn tỉnh. Cả 2 số liệu này đều thấp hơn chỉ tiêu mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai giao cho ngành bảo hiểm.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số người tham gia các loại bảo hiểm giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp tiến hành cắt giảm lao động, cho lao động tạm ngưng việc. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên số tiền nợ BHXH cũng tăng lên. Tính đến nay, số nợ BHXH toàn tỉnh là 495 tỉ đồng.
Bình luận (0)