Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong năm 2019, cả nước xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.327 người bị nạn, trong đó có 979 người chết và 1.892 người bị thương nặng (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và theo hợp đồng lao động). Nguyên nhân của các vụ TNLĐ chủ yếu xuất phát từ sự vi phạm pháp luật về AT-VSLĐ của người sử dụng lao động và cả người lao động (NLĐ).
Trong nhiều năm qua, tổ chức CĐ Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác bảo hộ lao động; bảo đảm AT-VSLĐ; bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho NLĐ. Tuy nhiên, trong bối cảnh những thách thức và nguy cơ trong công tác AT-VSLĐ vẫn đang gia tăng, đòi hỏi các cấp CĐ cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình. Tham luận tại hội thảo, GS-TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật AT-VSLĐ Việt Nam, cho biết một trong những công việc quan trọng để làm giảm TNLĐ và bệnh nghề nghiệp là phải nhận diện, phân tích các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện tại nơi sản xuất, từ đó có các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát.
Quang cảnh hội thảo sáng 15-5
Nhiều ý kiến cho rằng để phát huy vai trò của tổ chức CĐ trong công tác AT-VSLĐ, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho NLĐ và người sử dụng lao động hiểu và nắm vững các quy định của pháp luật về công tác AT-VSLĐ tại doanh nghiệp. Từ đó xác định quyền và trách nhiệm phải thực hiện, bởi thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp nhỏ không quan tâm đến công tác AT-VSLĐ, chạy theo lợi nhuận, không quan tâm cải thiện điều kiện lao động, đổi mới công nghệ... Một bộ phận NLĐ còn chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn gây TNLĐ; trình độ, kinh nghiệm, ý thức tác phong công nghiệp còn hạn chế.
Ngay sau vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Đồng Nai làm 10 người chết và 14 người bị thương, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai thường xuyên túc trực, nắm tình hình vụ việc. LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng đã hỗ trợ mỗi nạn nhân bị thiệt mạng 3 triệu đồng; nạn nhân bị thương 1 triệu đồng.
Bình luận (0)