Thực trạng này không chỉ làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp ở số lao động lớn tuổi mà còn để lại nhiều hệ lụy lâu dài.
Không khó nhận diện chiêu thức "vắt chanh bỏ vỏ" của các DN đối với NLĐ. Lao động lớn tuổi là những người làm việc lâu năm, có tay nghề cao nên dĩ nhiên thu nhập cũng cao hơn CN mới. Để giảm tối đa chi phí trả lương cho đối tượng này, nhiều chủ sử dụng lao động đã "đề nghị" họ chuyển từ hợp đồng lao động sang hợp đồng thời vụ với mức lương thấp hơn rất nhiều. Nếu CN không đồng ý thì ngay lập tức sẽ bị đưa vào diện "cắt giảm lao động". Hành vi tùy tiện này của DN gây thiệt thòi về lâu dài cho NLĐ.
Doanh nghiệp thường tìm mọi lý do để sa thải người lao động khi họ trên 35 tuổi, nhất là lao động nữ. Ảnh: Thái Hiền
Bên cạnh đó, lợi dụng việc nhiều CN không am hiểu pháp luật, nhiều chủ sử dụng lao động còn dùng "chiêu trò" để ép NLĐ phải xin thôi việc, điển hình là "thỏa thuận" hỗ trợ một khoản tiền bồi thường cho CN lớn tuổi nếu họ đồng ý nghỉ việc. Nhiều DN còn "tuyên truyền" rằng sắp tới, Luật BHXH sẽ thay đổi theo hướng kéo dài tuổi lao động. Do đó, lao động nữ làm đến 55-60 tuổi cũng không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì nên nhận một khoản tiền lớn khi xin nghỉ việc để làm ăn. Khi CN phản ứng và các cơ quan chức năng lên tiếng, nhiều DN còn lập luận rằng đó là chính sách hỗ trợ CN "khởi nghiệp".
Một nghiên cứu của Viện CN và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam mới đây cho thấy hơn 80% lao động nữ trên 35 tuổi bị đào thải hoặc tự bỏ việc tại các KCX-KCN. Sau khi nghỉ việc, đa số họ rất khó xin việc vì lớn tuổi, có người buộc phải trở về quê để kiếm kế sinh nhai.
Xa quê lập nghiệp, hơn ai hết, họ luôn mong muốn có một cuộc sống ổn định và có tích lũy cho tương lai. Mất việc, họ đối diện tương lai mờ mịt và vô hình trung trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nên nhớ, sau lưng họ là gánh nặng gia đình phải lo toan. Do vậy, hành vi cố tình đẩy NLĐ đi của các DN rất đáng phê phán, thậm chí còn có thể nói là nhẫn tâm.
Bình luận (0)