Làm việc cho Công ty Bảo vệ Đ.Q.M hơn 2 năm, đến khi nghỉ việc, ông Châu Ngọc Kiệm (ngụ huyện Cần Giờ, TP HCM) bị công ty nợ 3 tháng lương. Ông gửi đơn khiếu nại khắp nơi nhưng đến nay vẫn chưa đòi được quyền lợi.
Đủ kiểu trừ tiền
Để có khoản tiền lương mỗi tháng 9 triệu đồng, ông Kiệm phải trực công trường 24/24 giờ. Công trường hoạt động là ông phải làm việc, chuyện thức trắng đêm liên tục là bình thường. "Công ty nợ 3 tháng lương của tôi gần 20 triệu đồng. Đi đòi thì cứ bảo phải chờ. Tôi biết đơn vị thi công công trường đã thanh toán đầy đủ cho công ty nhưng công ty không trả lương cho tôi" - ông Kiệm cho biết.
Dù làm việc lâu như vậy nhưng ông Kiệm chẳng có hợp đồng lao động (HĐLĐ) hay bất cứ giấy tờ gì liên quan ngoài cái bảng tên nhân viên đóng dấu… một công ty khác. Nguyên nhân của việc này là do trước đây ông Kiệm làm việc cho một công ty bảo vệ, sau đó công ty này tách ra làm 2 công ty khác nhau. Nhân viên cũng tách làm đôi theo công ty mới mà không có giấy tờ gì.
Ảnh chỉ có tính minh họa
Cùng tình cảnh, ông Huỳnh Minh Vũ (ngụ quận Bình Tân, TP HCM)làm việc cho Công ty Đ.A với hợp đồng miệng nhưng công ty quy định muốn nghỉ việc phải báo trước 30 ngày. "Dù tôi đã báo trước 30 ngày nhưng vẫn bị trừ lương 500.000 đồng cho "chi phí đào tạo". Mà có ai đào tạo gì đâu? Ngày nhận việc tôi ra gặp đội trưởng ở quán cà phê, chỉ có mỗi cái CMND, nộp 2 tấm ảnh xong là hôm sau nhận đồng phục, bảng tên và đi làm luôn" - ông Vũ cho biết.
Trong khi đó, ông Đặng Thành (ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) làm việc cho Công ty Bảo vệ N.C.T không những bị trừ phí đào tạo mà còn bị trừ hàng loạt chi phí khác khi nghỉ việc. Công ty bắt người lao động phải thế chân tiền đồng phục 600.000 đồng, nộp 500.000 đồng chi phí đào tạo. Các khoản tiền này chỉ được trả lại nếu làm việc đủ 2 năm. Ông Thành bức xúc: "Nhà tôi ở Hóc Môn nên ngay từ đầu tôi có nguyện vọng làm việc ở gần nhà nhưng họ điều động chạy khắp TP, tôi chịu không nổi phải xin nghỉ và bị mất tiền".
Làm ăn chụp giật
Có một thực tế là thời gian qua, các công ty bảo vệ mở ra ngày một nhiều. Việc kinh doanh loại hình này được nới lỏng; công ty mẹ, công ty con cứ tách nhập liên tục. Theo ông Đ.X.N, một nhân viên quản lý nhân sự lâu năm cho các công ty bảo vệ, hầu hết các công ty bảo vệ đều giữ chân người lao động bằng một khoản tiền thế chấp hoặc giam lương từ 15-20 ngày.
"Nói thẳng ra đây là "mượn đầu heo nấu cháo" vì nhiều công ty không có thực lực; chỉ liên kết chắp vá để kiếm tiền. Thậm chí có công ty khi bí người quá, đích thân giám đốc phải chạy xuống mục tiêu làm bảo vệ. Nếu như trước đây việc mở công ty bảo vệ phải có một khoản vốn pháp định là 2 tỉ đồng thì nay quy định này được bãi bỏ nên doanh nghiệp mọc lên như nấm" - ông N. cho biết.
Là người có thâm niên trong ngành, ông N. nhẩm tính mỗi lao động bảo vệ đem lại khoản lãi ròng (đã trừ hết chi phí) ít nhất 1 triệu đồng cho các công ty mỗi tháng. Với công ty có hàng trăm, hàng ngàn nhân viên thì đây là một khoản siêu lợi nhuận. Nhiều người cứ thấy lời mà theo chứ không hề có trách nhiệm với nghề.
Cạnh tranh không lành mạnh
Theo ông Trần Châu Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty Dịch vụ Bảo vệ Long Hải, cả nước hiện có hơn 2.000 công ty bảo vệ. Nhu cầu của loại hình dịch vụ này mỗi ngày một tăng; đặc biệt là các cao ốc, công trường, chung cư, bệnh viện… Do vậy, các công ty mở ra dễ dàng và cạnh tranh không lành mạnh khiến mặt bằng chất lượng chung cũng giảm sút. Ông Giang cho biết ngành bảo vệ có tỉ lệ nhảy việc khá cao. Nhiều người cứ thấy quảng cáo lương 7- 8 triệu đồng mỗi tháng thì ham mà không biết rằng để được như vậy thì phải làm việc ít nhất 12-16 giờ/ngày, thậm chí phải ngủ lại ở mục tiêu luôn. "Có công ty chỉ đăng ký 2 người làm một mục tiêu 24/24 giờ, nhiều nơi không có bất cứ loại hình bảo hiểm nào cho người lao động trong khi đây là công việc có mức độ rủi ro cao" - ông Giang cho biết.
Bình luận (0)