Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được nhiều người lao động (NLĐ) lựa chọn bởi mở ra cho họ cơ hội việc làm ổn định, mức thu nhập cao, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng.
Thêm nhiều ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam
Số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho thấy tính đến hết tháng 11-2017, Việt Nam đã đưa được 118.859 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 113,2% kế hoạch năm 2017. Con số này đã vượt qua mục tiêu đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài của Bộ LĐ-TB-XH đề ra cho cả năm 2017. Kết quả này tạo tiền đề tốt cho công tác XKLĐ năm 2018 với nhiều tín hiệu khởi sắc.
Các học viên đang học tiếng Nhật để chuẩn bị sang Nhật Bản làm việc
Năm 2017, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản được ghi nhận là 2 thị trường có tỉ lệ NLĐ xuất khẩu lớn nhất và dự kiến năm 2018, số lượng người đi XKLĐ vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào 2 điểm này. Với đặc thù gần về khoảng cách địa lý, các điều kiện không qua khắt khe, không giới hạn ngành nghề tiếp nhận lao động, chi phí rẻ lại có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc, Đài Loan là điểm đến được nhiều lao động Việt chọn lựa. Làm việc ở Đài Loan có mức lương không cao nếu so với Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng là khoản thu nhập tương đối khá so với làm việc ở trong nước. Nhưng có một vấn đề mà nhiều năm qua NLĐ rất bức xúc đó là tình trạng "loạn" phí khi đi Đài Loan làm việc.
Trước tình trạng "loạn" phí XKLĐ, Bộ LĐ-TB-XH đã triển khai chương trình tuyển dụng trực tiếp với thị trường Đài Loan. Theo đó, các đơn hàng sẽ do Bộ Lao động Đài Loan gửi trực tiếp cho Trung tâm Lao động ngoài nước. Sau đó trung tâm này sẽ thông báo đến NLĐ và đứng ra tuyển dụng trực tiếp. Theo cách làm này, NLĐ sẽ không phải đóng phí môi giới, phí quản lý... mà chỉ phải đóng các khoản như: phí visa, phí dịch vụ, chi phí bồi dưỡng kiến thức, chi phí đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước... Tổng các khoản chi phí này gần 13 triệu đồng.
Nhiều chuyên gia nhận định Nhật Bản sẽ là thị trường XKLĐ số 1 trong năm 2018. Bởi vì năm 2018, thị trường XKLĐ Nhật Bản đón nhận thêm một số thông tin rất có lợi cho NLĐ, như gia hạn ở lại làm việc tối đa lên đến 5 năm, không phải đặt cọc chống bỏ trốn, mở rộng thêm nhiều ngành nghề tiếp nhận, tăng lương cơ bản đầu năm 2018, chấp nhận đi lại lần 2… Bộ LĐ-TB-XH cho biết trong năm 2018, riêng thị trường Nhật Bản sẽ dứt điểm ngừng các công ty phái cử thu phí xuất cảnh cao hơn quy định. Tuyệt đối bỏ tất cả các khoản đặt cọc chống trốn, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho NLĐ. Làm như thế là để NLĐ sau khi sang Nhật Bản làm việc hoàn toàn yên tâm, không có những phát sinh như bỏ trốn ra ngoài làm việc, ăn cắp vặt hay tự động ra ngoài nhận việc làm thêm nhằm mục đích hoàn vốn nhanh.
Hàn Quốc vẫn là nước có lượng lớn người lao động Việt Nam nhưng bị gián đoạn do tình trạng cư trú bất hợp pháp của lao động Việt Nam tăng quá cao. Tuy nhiên, gần đây Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) cho biết họ muốn tiếp nhận hơn 2.600 lao động Việt Nam trong năm 2018. Nếu tỉ lệ cư trú bất hợp pháp được giải quyết tốt, Hàn Quốc sẵn sàng tiếp nhận nhiều hơn.
Lo ngại lao động bỏ trốn
Đi kèm với những kết quả đạt được rất đáng khích lệ về số lượng lao động được ra nước ngoài làm việc luôn là những lo lắng tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tăng cao.
Hiện có khoảng 17% lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan sau khi hết hợp đồng lao động. Đây là tỉ lệ báo động sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ việc làm giữa Việt Nam và Đài Loan. Tại Nhật Bản, nhờ làm tốt công tác tuyển chọn, các điều kiện đến Nhật khắt khe nên tỉ lệ bỏ trốn ra ngoài mới chỉ khoảng 3%. Dù là nhỏ nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo khi đây là thị trường trọng điểm của công tác XKLĐ của Việt Nam. Hơn nữa, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố rằng nếu tỉ lệ NLĐ bỏ trốn quá mức 5% thì sẽ ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. NLĐ bỏ trốn vượt ngưỡng tại thị trường Hàn Quốc đã khiến chính phủ nước này ngưng tiếp nhận lao động Việt Nam từ năm 2012. Đây là bài học lớn và thiệt thòi cho những lao động muốn sang Hàn Quốc làm việc bởi thị trường này có mức lương khá cao.
Để tăng cường công tác quản lý lao động ngoài nước, mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã công khai danh sách 46 doanh nghiệp (DN) XKLĐ bị thu hồi giấy phép hoạt động do vi phạm quy định về XKLĐ. Vi phạm của các DN không chỉ xâm hại quyền lợi của NLĐ mà còn ảnh hưởng tới uy tín của lao động Việt Nam với đối tác nước ngoài. Số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ bị xử phạt, chấn chỉnh trong năm 2017 nhiều nhất từ trước đến nay.
Người lao động cần cảnh giác
XKLĐ là lựa chọn sáng suốt nhưng cũng đầy rủi ro nếu NLĐ không tìm hiểu kỹ thông tin. Theo khuyến cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, NLĐ cần chú ý chỉ các DN được cấp phép và có hợp đồng cung ứng lao động đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận thì mới được phép tuyển chọn lao động. Do đó, NLĐ cần đến Sở LĐ-TB-XH nơi mình sinh sống để được hướng dẫn, không nên tin những công ty trôi nổi.
Bình luận (0)