Sáng 20-11, với 90,06% đại biểu Quốc hội (QH) tham gia biểu quyết tán thành, QH đã thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 với rất nhiều nội dung liên quan mật thiết đến người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) như: thời giờ làm việc bình thường, làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu... Đáng chú ý, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 có đến 10 nội dung mới đối với NLĐ và 6 nội dung mới đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ).
Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Trao đổi với báo chí bên hành lang QH ngay sau khi bộ luật được thông qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá đây là sự kiện rất quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với việc xây dựng quan hệ lao động và phát triển lực lượng lao động. Bộ luật có nội dung, phạm vi rất lớn và tác động sâu rộng đến hàng chục triệu NLĐ, bao gồm cả lực lượng ở khu vực chính thức và phi chính thức.
Theo quy định mới, thời giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Ảnh: AN KHÁNH
Đó là lần đầu tiên Bộ Luật Lao động (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn lao động; đồng thời quy định về nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện NLĐ và tổ chức đại diện NSDLĐ trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Theo các chuyên gia lao động, các chế định về hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng được quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với NLĐ, cụ thể như: NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại HĐLĐ; NLĐ được quyền yêu cầu NSDLĐ cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt HĐLĐ (các chi phí của việc cung cấp này do NSDLĐ trả). Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm, nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho NLĐ; bổ sung một ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với NLĐ liền kề với ngày Quốc khánh 2-9; bổ sung thêm trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương.
Đáng chú ý là Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể nhiều DN nhằm khuyến khích áp dụng các thỏa thuận có lợi hơn đối với NLĐ. Ngoài ra, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần này còn có những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới đã được thay đổi về quan điểm tiếp cận bảo đảm quyền việc làm, quyền lao động của lao động nữ thay vì quy định hạn chế như Bộ Luật Lao động hiện hành; bổ sung quy định trường hợp HĐLĐ hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết HĐLĐ mới...
Doanh nghiệp tự xây dựng thang, bảng lương
Lần đầu tiên, Bộ Luật Lao động cũng luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của NSDLĐ khác.
Có một điểm đáng lưu tâm khác là Bộ Luật Lao động cũng mở rộng quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ; NSDLĐ được quyền ký kết nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn đối với lao động cao tuổi và lao động là người nước ngoài.
Về tiền lương, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN, tiền lương được thực hiện trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa các bên. Ngoài ra, DN cũng được chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động; bổ sung quy định trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận. Quy định đối thoại định kỳ tại DN được nâng lên 1 năm/lần. Ngoài quy định linh hoạt về đăng ký nội quy lao động (có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp huyện), các quy định về giải quyết tranh chấp lao động cũng linh hoạt hơn nhằm tạo thuận lợi cho cả NLĐ và NSDLĐ.
Về lộ trình giảm giờ làm chính thức, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá đây là vấn đề rất lớn, tác động rất sâu rộng đến tất cả chủ thể, do đó cần đánh giá toàn diện, sâu sắc và đầy đủ. Chính vì vậy, Chính phủ đề nghị và QH thống nhất ghi vào Nghị quyết kỳ họp là giao Chính phủ nghiên cứu xem xét để có lộ trình đề xuất QH giảm giờ làm ở thời điểm thích hợp.
Tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021
Về thời giờ làm việc bình thường (điều 105) quy định: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Nhà nước khuyến khích NSDLĐ thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với NLĐ. Về làm thêm giờ (điều 107): NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm không quá 300 giờ/năm trong một số ngành nghề, công việc hoặc trường hợp cụ thể trong luật.
Về tuổi nghỉ hưu (điều 169): Tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Trong những trường hợp cụ thể, NLĐ có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn hoặc thấp hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
Ông CHANG-HEE LEE, Giám đốc ILO Việt Nam:
Tiệm cận hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế
Việc thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là bước tiến mới của Việt Nam, tiệm cận hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng. Lần sửa đổi Bộ Luật Lao động mới nhất này (các lần sửa đổi trước vào năm 1994, 2002, 2006 và 2012) tạo khung pháp luật hoàn thiện hơn cho quan hệ việc làm, điều kiện lao động và chức năng đại diện của NSDLĐ và NLĐ. Bộ luật mới cũng chú trọng hơn tới việc thực hiện thương lượng tập thể tự nguyện, một công cụ cần thiết đối với một nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình hội nhập toàn cầu sâu rộng. Nội dung thay đổi quan trọng nhất trong Bộ Luật Lao động là NLĐ tại DN được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn.
Bên cạnh đó là mở rộng phạm vi bảo vệ NLĐ không được ký HĐLĐ bằng văn bản. Các quyền và nghĩa vụ của NSDLĐ và NLĐ được quy định rõ ràng hơn. Bộ luật cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn về cưỡng bức lao động và lao động chưa thành niên, giúp NSDLĐ hiểu rõ hơn những gì được pháp luật cho phép và không cho phép, giúp tăng cường năng lực của thanh tra lao động trong việc tư vấn và thực thi pháp luật trong những lĩnh vực này.
D.Quốc ghi
Bình luận (0)