Nguyên nhân là do ý thức tuân phủ pháp luật của người sử dụng lao động không cao; NLĐ chưa hiểu đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tham gia BHXH. Bên cạnh đó, tình trạng chậm đóng BHXH vẫn diễn ra và tăng so với năm trước, dù các giải pháp hạn chế tình trạng chậm đóng và thu hồi tiền chậm đóng BHXH đã được thực hiện khá quyết liệt. Nhiều DN vẫn cố tình xây dựng thang, bảng lương để đóng BHXH bằng mức thấp nhất; tiền lương đóng BHXH tại nhiều DN bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng thêm tỉ lệ phần trăm theo quy định đối với NLĐ đã qua đào tạo nghề hoặc làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cán bộ BHXH quận Tân Bình, TP HCM (bìa phải), giải đáp về chính sách BHXH cho người lao động Ảnh: CAO HƯỜNG
Từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp (phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đa số DN đăng ký đóng BHXH cho NLĐ theo mức lương mà không có khoản bổ sung khác; thậm chí cố tình giảm mức đóng BHXH để lấy khoản đó trả cho NLĐ nhằm thu hút NLĐ. Trong khi đó, nhiều NLĐ chỉ quan tâm tới số tiền được nhận về hằng tháng, thu nhập cũng như lợi ích trước mắt mà chưa hiểu đầy đủ về pháp luật cũng như lợi ích của việc đóng BHXH cao thì sau này sẽ được hưởng lương hưu cao.
Bình luận (0)