Mới đây, khi nhận được thông tin ông L.M.K, giám đốc nhân sự, được tổng giám đốc Công ty L.O (quận 1, TP HCM) ủy quyền giải quyết đơn khiếu nại của mình, anh Nguyễn Thanh, nhân viên phòng đào tạo, phản ứng: “Chính ông K. là người đuổi việc vợ chồng tôi khiến vợ tôi bức xúc đến mức suy sụp phải nhập viện, thế mà giờ lại đứng ra giải quyết tranh chấp. Làm việc với ai chớ với ông ta thì tôi cương quyết từ chối. Tôi sẽ đưa vụ việc ra tòa”.
Vừa đá bóng vừa thổi còi
Theo phản ánh của anh Thanh, tháng 9-2007 và tháng 5-2010, công ty đã lần lượt ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với anh và chị Nguyễn Thị Quỳnh, vợ anh. Đến tháng 9-2016, lấy lý do anh và vợ cùng vi phạm nội quy, công ty đã ra quyết định sa thải cả 2 vợ chồng. Không đồng ý, vợ chồng anh Thanh đã gửi đơn khiếu nại đến công ty và các cơ quan chức năng.
Chia sẻ thêm về lý do từ chối cuộc gặp với đại diện công ty, anh Thanh cho rằng ông K. không phải là người đại diện pháp luật của công ty, cũng không phải là người đã ký HĐLĐ với anh nhưng lại đứng ra chủ trì cuộc họp xử lý kỷ luật sa thải là trái quy định. “Tổng giám đốc công ty là người nước ngoài, ông ấy không rành pháp luật Việt Nam. Lẽ ra với cương vị giám đốc nhân sự, ông K. phải tham mưu cho tổng giám đốc và thực hiện quy trình xử lý đúng quy định; đằng này, dù không có bằng chứng việc tôi vi phạm nội quy nhưng ông K. vẫn kiến nghị tổng giám đốc sa thải tôi bằng mọi giá. Vậy thì việc ông K. đứng ra giải quyết tranh chấp giữa tôi với công ty liệu có khách quan?” - anh Thanh bức xúc.
Tranh chấp liên miên
Tình trạng không am hiểu pháp luật lại quá tin tưởng vào sự tham mưu kiểu “trời ơi” của cấp dưới khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh bất ổn, tranh chấp triền miên đang xảy ra khá phổ biến.
Đơn cử như vụ việc tại Công ty B.T (quận 3, TP HCM) mới đây. Vào đầu năm 2016, theo đề xuất của bà T., trưởng phòng nhân sự, công ty đã ra quy định buộc những nhân viên mới phải ký cam kết thử việc. Theo đó, nếu thử việc chưa đủ tháng mà nghỉ việc sẽ không được trả lương. Đầu tháng 11-2016, sau gần 1 tháng thử việc, thấy công việc không phù hợp, anh Trần Văn Hậu xin nghỉ việc nhưng không được trả lương nên đã khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Khi cơ quan chức năng vào cuộc, công ty nhận sai, cam kết hủy quy định trái luật và trả lương đầy đủ cho anh Hậu. Sau vụ việc đó, cho rằng bà T. yếu chuyên môn, không đáp ứng được yêu cầu công việc, giám đốc công ty đã tuyển ông H. vào thay. Sau đó 1 tháng, ông H. đã tiến hành thủ tục cho bà T. nghỉ việc. Ngay khi nhận quyết định nghỉ việc, bà T. đã khiếu nại đến các cơ quan chức năng vì cho rằng công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật bởi đến tháng 7-2018, HĐLĐ của bà mới hết hạn nhưng công ty lại ghi lý do cho nghỉ việc là “không tái ký khi HĐLĐ hết hạn”. Lần này, giám đốc công ty phải tiếp tục nhận lỗi, thu hồi quyết định và nhận bà T. quay lại làm việc. Sau vụ việc, bà L.T.H.Đ, giám đốc công ty, than thở: “Từ trước tới giờ, tôi chỉ tập trung vào mảng kinh doanh, những việc liên quan đến nhân sự tôi tin tưởng và phó thác cho cấp dưới giải quyết. Khi tuyển dụng tôi cũng đã lựa chọn những người có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác nhân sự, thế mà không hiểu sao tranh chấp vẫn xảy ra triền miên”.
Tiền mất tật mang
Bên cạnh việc phải đương đầu với tình trạng bất ổn kéo dài, cách đây ít lâu, Công ty H.V.K (quận 12, TP HCM) còn bị thiệt hại về kinh tế khi phải trả khoản bồi thường khá lớn, gần 300 triệu đồng, cho người lao động chỉ vì tin tưởng một cách mù quáng vào tư vấn của “quân sư”. Trước đó, do không thống nhất được các điều khoản khi ký lại HĐLĐ, theo đề xuất của bà N.T.H, trợ lý giám đốc, giám đốc công ty (người Hàn Quốc) đã lấy cớ 6 công nhân không chịu ký HĐLĐ và cho họ nghỉ việc. Các công nhân đã kiện ra tòa và công ty thua kiện.
Bình luận (0)