Gần 200.000 cử nhân thất nghiệp không phải là một câu chuyện mới. Con số này được công bố định kỳ hằng năm và cứ mỗi năm, nó lại nhích lên một ít. Cứ mỗi lần nó nhích lên là cả xã hội lại chộn rộn bàn tán và bồn chồn sốt ruột truy tìm nguyên nhân, giải pháp.
Không tìm được ai thất nghiệp!
Đem chuyện này trao đổi cùng một người bạn là kỹ sư, tôi chưa nói hết ý, anh đã độp lại liền: “Ông thử kiếm cho tôi một người đã tốt nghiệp mà thất nghiệp xem. Phải đúng nghĩa thất nghiệp nhé, đang khỏe mạnh, ham có việc mà không tìm được việc, tôi xin việc cho!”.
Anh bạn kể Tết rồi về quê, nghe ông bác than phiền chuyện thời buổi khó khăn, con ông ra trường không tìm được việc làm, anh mới hỏi thăm chuyện học hành, coi qua bảng điểm thì thấy rất ổn nên hứa sẽ hỏi thăm chỗ làm giùm. Vào lại TP HCM, vốn quen biết nhiều, chỉ vài hôm là anh dò ra một công ty đang thiếu người, cần kỹ sư đi công trường, lương khởi điểm 7 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản phụ cấp mà lại không cần phải “lót” gì cả. Đáp lại sự hồ hởi của anh, đầu dây bên kia đưa ra một lý do đơn giản: “Ba mẹ không muốn em đi xa mà đang chạy cho em một chân biên chế gần nhà”.
Anh bạn tôi làm chuyên môn là chính. Anh không tranh luận với các con số. Anh chỉ nhìn bằng trải nghiệm của riêng mình. Nếu gác qua chuyện các cô cậu cử nhân ngại khó, ngại khổ, thiếu kỹ năng, còn phải tính đến cơ man nào là những người trẻ đi học thuần túy chỉ là để có tấm bằng, nhiều người không hứng thú gì với thứ mà mình đang học nên cũng chẳng có nổi một kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng.
Mâu thuẫn cứ dằng dai khi con số thất nghiệp cứ ngày càng phình to trong khi nhiều nơi “đỏ mắt tìm người” nhưng không có. Không thể phủ nhận thực trạng thất nghiệp nhưng cái cách mà những con số thống kê đưa ra vẫn không vẽ được hình hài thực trạng mà xã hội đang lo lắng.
Thực tế khác với báo cáo
Trong một hội thảo của các trường dạy nghề ở TP HCM cuối năm 2016, hiệu trưởng một trường cao đẳng bày tỏ bức xúc: Cùng với cử nhân thất nghiệp, hiện trạng thất nghiệp từ trung cấp đến cao đẳng nghe sao mà chua chát. Nó xa lạ với một thực tế là sinh viên học nghề trường ông và một số trường khác hầu như ra trường là có việc làm ngay.
Có trường không đào tạo đủ chỉ tiêu được đặt hàng, nhiều sinh viên có việc làm ngay khi còn đang học. Vậy cái thực trạng kia liệu có phản ánh đúng hay không và có cần phải phân tích cụ thể, rõ ràng hơn không? Chưa nói đến chuyện những con số thất nghiệp “không đáng tin cậy” ấy có khả năng làm méo mó cái nhìn đã không tròn trịa của xã hội về đào tạo nghề.
Mặt khác, những con số đó cũng chưa vẽ lên được hình dáng một thực tế đau lòng thường trực của xã hội là “thất nghiệp trá hình” - khái niệm để chỉ những người mang danh là có việc nhưng năng suất lao động rất thấp và không sử dụng hết thời gian lao động. Phần đông trong nhóm này được xã hội miêu tả là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Nó mới thật sự là nguy cơ làm tăng quỹ lương, lãng phí nguồn lực phát triển, thủ tiêu động lực lao động và gieo những lệch lạc lên đạo đức và năng suất lao động của xã hội.
Chung chung, trống rỗng
Những con số là nền tảng cho chính sách, quyết định. Thế nhưng, khi những con số chung chung, trống rỗng, không chỉ ra được bản chất của thực tế thì người có thẩm quyền cũng chỉ ra được những quyết sách chung chung, trống rỗng như vậy.
Dẫn chứng cụ thể là vừa qua, khi một cơ quan nhà nước được giao xây dựng đề án xuất khẩu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, bản thân cán bộ của cơ quan này cũng phải thừa nhận không thể biết 200.000 cử nhân thất nghiệp theo báo cáo là những ai, thuộc ngành nghề nào, vì vậy cũng chưa tính toán nổi đề án.
Trở lại câu hỏi của anh bạn kỹ sư nêu trên. Bị bất ngờ, quả thật tôi chẳng kiếm được một trường hợp cụ thể nào như vậy. Hôm sau, tôi mang câu chuyện này thử một anh bạn khác, anh này cũng tán đồng thực trạng của những con số. Nhưng khi hỏi một trường hợp cụ thể, anh cũng ngây người ra một lúc: “Ừ nhỉ, không thấy, tôi chỉ biết một đứa nhưng do nó không chịu đi làm mà thôi”!
Bình luận (0)