Suốt 3 tháng điều phối "Dự án chợ nghĩa tình", chị Thái Thị Hoài Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TP HCM, phải thực hiện "3 tại chỗ" ngay tại trụ sở Thành Đoàn để đưa từng suất quà đến công nhân (CN) và người dân khó khăn ở các xóm trọ, con hẻm nhỏ trên địa bàn thành phố. Chị Sơn là 1 trong 64 "Đóa hồng tình nguyện" tiêu biểu tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 được LĐLĐ TP HCM và Hội LHPN thành phố tuyên dương sáng 21-10.
Dấn thân vì cộng đồng
Trong những ngày cao điểm dịch Covid-19, chị Sơn được đơn vị phân công phụ trách điều hành "Dự án chợ nghĩa tình", với 22 kênh trực tuyến tại 21 quận - huyện và TP Thủ Đức. Chị chịu trách nhiệm kiểm duyệt user người dân được hỗ trợ; phân bổ, quản lý hàng hóa tại kho hàng tổng và 22 kho hàng tại cơ sở; vận động và tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ dự án.
Do công việc đòi hỏi phải di chuyển liên tục, tiếp xúc nhiều người nên chị Sơn và 20 tình nguyện viên quyết định thực hiện "3 tại chỗ" để bảo đảm an toàn cho người thân. Từ ngày 22-6 đến 22-9, "Dự án chợ nghĩa tình" đã tiếp nhận, xử lý 27.472 đơn hàng miễn phí với 205.725 sản phẩm nhu yếu phẩm hỗ trợ 17.813 hộ dân tại các khu cách ly, phong tỏa. Tổng giá trị hàng hóa hỗ trợ khoảng 9,5 tỉ đồng. Ngoài 18.000 combo nước và sữa dành cho tình nguyện viên tham gia chống dịch, chị còn vận động được 40.600 suất ăn, 3.000 suất bánh và nhiều dụng cụ bảo hộ, đồ dùng học tập, đồ chơi cho các em nhỏ.
Chị Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH E.Land Việt Nam (bìa phải), tặng rau củ quả cho công nhân
Trong những ngày chị Sơn lăn xả với công việc thì con gái chị nhiễm SARS-CoV-2. Dù rất lo lắng nhưng chị đành dằn lòng gửi con cho chị ruột chăm sóc để tiếp tục công việc.
"Tôi tranh thủ từng phút để vừa tổ chức công việc vừa hỏi thăm tình hình sức khỏe của con. May mà cháu vượt qua giai đoạn cam go rất nhanh. Dự án cũng gặt hái những kết quả khả quan, góp phần san sẻ khó khăn với bà con nghèo" - chị Sơn bộc bạch.
Hết lòng với công nhân
Trong thời gian TP HCM thực hiện giãn cách xã hội, CN Công ty TNHH E.Land Việt Nam (quận 1) phải tạm nghỉ vì doanh nghiệp không đủ điều kiện triển khai phương án "3 tại chỗ". Tình thế này đẩy nhiều CN rơi vào cảnh túng bấn vì không có thu nhập.
San sẻ khó khăn với CN, chị Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH E.Land Việt Nam, đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ gia đình họ. Khi công ty xuất hiện 6 ca F0, chị Hà một mặt động viên tinh thần CN, một mặt vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm thực phẩm, thuốc men trong thời gian họ điều trị. Chị còn vận động đồng nghiệp, bạn bè tổ chức các "gian hàng rau 0 đồng" phục vụ người lao động tại công ty; trao 800 phần quà cho CN có hoàn cảnh khó khăn. Chị và người thân còn đăng ký làm tình nguyện viên phục vụ điểm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại cộng đồng.
"Nghỉ việc tạm thời trong thời điểm dịch bệnh bùng phát nên quỹ thời gian của tôi khá nhiều. Trong khả năng của mình, tôi muốn góp một phần công sức nhỏ bé để giúp đỡ anh chị em CN và chính quyền địa phương" - chị Hà cho biết.
Công tác ở địa phương có nhiều ca F0 nên chị Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN quận 6, TP HCM - khá vất vả. Góp sức cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh, chị đã chủ động đề xuất xây dựng mô hình phản ứng nhanh với dịch Covid-19 với 30 tình nguyện viên. Trên website của Hội LHPN quận 6, chị còn lập chuyên mục tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2, kết quả là đã giúp 50 F0 điều trị tại nhà thành công. Ngoài ra, chị còn triển khai chương trình "Gian bếp yêu thương", trao 50.000 suất cơm, 3.000 phần quà và nhu yếu phẩm cho các hộ dân khó khăn, CN tại các khu nhà trọ, khu cách ly…
Với chị Trúc, niềm vui của người nghèo, nhất là CN, khi được hỗ trợ chính là động lực để chị cống hiến nhiều hơn cho công tác thiện nguyện.
Đóng góp thầm lặng
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của nữ CNVC-LĐ. Góp sức cùng chính quyền TP HCM trong công tác phòng chống dịch bệnh, LĐLĐ thành phố đã phát động phong trào "Mỗi đoàn viên Công đoàn là một tình nguyện viên, mỗi Công đoàn cơ sở một công trình tình nguyện".
Từ phong trào này, nhiều mô hình hay, có hiệu quả ra đời và được nhân rộng như: "Tổ an toàn Covid-19", "Siêu thị 0 đồng", "Phiên chợ 0 đồng", "Nhà trọ 0 đồng", "ATM gạo miễn phí", "ATM ôxy miễn phí", "Nghĩa tình Công đoàn", "Bếp ăn nghĩa tình", "Đội hình hỗ trợ CN"... Nhiều cán bộ Công đoàn, cán bộ Hội LHPN, nữ CN đã tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện.
Sự đóng góp thầm lặng của họ rất đáng trân trọng, biểu dương.
Bình luận (0)