Chị Đào Khắc Thùy trao quà của chương trình "Đồng hành vượt cạn" cho người nhà của lao động nữ mang thai có hoàn cảnh khó khăn
Cùng lúc phụ trách nhiều công việc, vừa là Phó chủ tịch Công đoàn, Chủ tịch Hội LHPN phường 3 (quận Gò Vấp) vừa là quản lý hành chính tại Khu cách lý tại Trường Tiểu học Trần Văn Ơn nên chị Đào Khắc Thùy - khá tất bật trong những ngày cuối năm. Dù lúc nào cũng bận rộn nhưng chị vẫn hoàn thành mọi việc với tất cả nhiệt huyết và cả tấm lòng hướng về những người nghèo, người yếu thế. Bản thân chị là một trong số 64 "Đóa hồng tình nguyện" được Liên đoàn Lao động Thành phố và Hội Liên hiêp phụ nữ Thành phố tuyên dương trong năm 2021.
Hy sinh thầm lặng
Trong suốt năm 2021 và đến tận thời điểm này, chị Thùy lúc nào cũng năng nổ với công tác thiện nguyện, nhất là các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân F0, bởi bản thân chị cũng từng nhiễm bệnh và vượt qua bệnh tật.
Chị kể, tháng 7-2021, thành phố thực hiện giãn cách, lúc ấy chị giữ vai trò Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của phường, với trách nhiệm trên vai, chị tạm gác việc riêng để vào cơ quan làm việc "3 tại chỗ" nhằm hỗ trợ bà con. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, chị đã nhiễm bệnh và trải qua thời gian cách ly điều trị. Trong lúc khó khăn ấy, chị đã nhận được rất nhiều tình cảm từ đồng nghiệp, từ các tình nguyện viên, đội ngũ y bác sĩ. Chính điều ấy thôi thúc chị xung phong ở lại phục vụ trong khu cách ly sau khi khỏi bệnh.
Nén nỗi nhớ nhà, chị dồn mọi tâm trí vừa vận động mọi mối quan hệ để có thêm các nguồn thực phẩm để chăm lo từ bữa ăn, lo từng túi thuốc cho bệnh nhân và hỗ trợ cho các anh em tình nguyện viên. "Quá trình ấy kéo dài suốt 4 tháng và đó là khoảng thời gian không thể nào quên được đối với bản thân tôi. Tiếp xúc nhiều với các em tình nguyện viên khiến tôi cảm nhận được sâu sắc tình thương người của các em, nhất là cảnh nhìn các em đội mưa gió ôm theo bình oxy đến tận nhà những bệnh nhân nặng cần được tiếp tế oxy. Đó cũng là động lực khiến tôi gắn bó với công việc tại khu cách ly suốt nhiều tháng"- chị tâm sự.
Chị Đào Khắc Thùy (bìa phải) hỗ trợ người già khó khăn do dịch bệnh Covid-19
Khi dịch tạm ổn định, chị được điều động tham gia công tác hội phụ nữ phường, nhận công tác mới, chị mau chóng nhập cuộc. Hiện chị vẫn tiếp tục lo lắng chu đáo đời sống cho các tình nguyện viên phải trực đêm, trực Tết, mặt khác phải tăng cường chăm lo Tết cho hàng chục chị em phụ nữ khó khăn và 9 trường trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 trên địa bàn phường. Đặc biệt là các trẻ mồ côi, chị đã khéo léo vận động các nguồn kinh phí để lo để các em có được cuộc sống ổn định sau những mất mát không gì bù đắp nổi.
Nhận xét về người cán bộ Công đoàn, cán bộ hội tại cơ sở, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp cho biết: "Ở cương vị nào, Thùy cũng đã luôn cố gắng hết sức, sẵn sàng nhận phần khó về mình. Đặc biệt, dù từng nhiễm bệnh nhưng Thùy đã dùng chính trải nghiệm của mình để hỗ trợ và tiếp sức cho bệnh nhân"
Sáng tạo trong khó khăn
Những ngày cận Tết, hôm nào chị Lương Thanh Trúc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 6 cũng tất bật với công việc từ sáng sớm đến tận khuya để thực hiện công tác chăm lo cho hội viên nghèo, trong đó có nữ công nhân lao động.
Không chỉ tạo ra các sân chơi hấp dẫn, ý nghĩa ngày Tết cho hội viên, công nhân lao động như chương trình Sắc Xuân quận 6, chương trình "Xuân nghĩa tình" kết nối các gian hàng, sản phẩm bánh mứt, trái cây ngày Tết để gây quỹ chăm lo cho hội viên bị ảnh hưởng bởi dịch; gian hàng Tết của phụ nữ khởi nghiệp… đến các hoạt động hỗ trợ như phối hợp tổ chức chuyến xe nghĩa tình đưa đoàn viên, hội viên về quê đón Tết; tổ chức gian hàng 0 đồng phục vụ nữ công nhân ở trọ. Chị Trúc cũng là một trong số những đóa hồng tình nguyện được tuyên dương.
Chị Lương Thanh Trúc, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 6 (bìa phải) chấm thi hội thi làm bánh mứt Tết
Nhiều năm làm công tác hội, công việc đã sớm trở thành niềm đam mê đối với chị. Lúc nào chị cũng tìm kiếm các mô hình hoạt động mới để hỗ trợ tốt nhất cho lao động nữ. Sự sáng tạo ấy đã thể hiện rất rõ nét qua giai đoạn thành phố gồng mình chống dịch vừa qua.
Thời điểm ấy, bản thân chị và gia đình đã trải qua rất nhiều khó khăn và cả những mất mát khi chị và nhiều người thân trong gia đình nhiễm bệnh, dù cách ly điều trị dài ngày nhưng ba chị đã không qua khỏi. Nén nỗi đau thương, chị đã dùng chính sự hiểu biết và các trải nghiệm của mình để xây dựng những mô hình hoạt động hay và thiết thực nhất vào lúc ấy.
Chị Lương Thanh Trúc (bìa phải) phân loại rau củ để tiếp ứng cho bà con khó khăn do dịch bệnh
Tiêu biểu như mô hình Trang tư vấn tâm lý xã hội –chăm sóc giảm nhẹ cho người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 tại nhà thông qua Hotline 0903958488. Với sự hỗ trợ của các bác sĩ giàu kinh nghiệm, chương trình đã hỗ trợ tư vấn cho hơn 50 trường hợp F0 tại nhà điều trị thành công, xây dựng đội ngũ F0 khỏi bệnh đến hỗ trợ các gia đình F0 đang điều trị tại nhà khi cần thiết.
Không dừng lại ở đó, chị Trúc còn chủ động đã xây dựng chương trình "Rau sạch mỗi ngày" với 400 kg rau sạch mỗi ngày hỗ trợ cho hộ dân khó khăn ở các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn quận, dù mỗi ngày ít rau nhưng cũng luân phiên nhà nào cũng có rau sạch hàng tuần. Chương trình này được duy trì trong suốt 100 ngày. Hay mô "Gạo 0 đồng" tận nhà đã hỗ trợ hơn 2.000 tấn gạo cho người dân khó khăn; chương trình Gian bếp yêu thương hàng ngày nấu 500 – 700 chai nước chanh sả, nước ép trái cây; thực hiện nấu và trao 50.000 suất cơm, 3.000 suất quà và các nhu yếu phẩm cho các hộ bị cách ly, các hộ khu nhà trọ, hộ khuyết tật khó khăn trên địa bàn quận…
Chị Lương Thanh Trúc (thứ 3 từ phải qua) tặng quà Tết và trao phương tiện sinh kế giúp hội viên khôi phục sau đại dịch
Nhìn lại khoảng thời gian đầy vất vả nhưng vô cùng ý nghĩa ấy, chị Trúc bộc bạch: "Một năm với nhiều đổi thay và mất mát, nhưng qua đó, tôi đã cảm nhận sâu sắc tình nghĩa đồng bào, sự đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ nhau của các tổ chức, đoàn thể không chỉ ở TP HCM mà còn các tỉnh bạn. Tôi tin rằng, khi đại dịch qua đi nhưng tình cảm và sự đồng hành, yêu thương ấy vẫn sẽ luôn còn mãi"
Bình luận (0)