"Thời buổi công nghệ 4.0, hoạt động Công đoàn (CĐ) phải thay đổi để thích ứng, vì vậy mỗi cán bộ CĐ phải tự nâng mình lên. Cụ thể như trau dồi về ngoại ngữ, nhất là ở những đơn vị có vốn nước ngoài, biết ngoại ngữ sẽ giúp CĐ làm việc, thương lượng trực tiếp được với doanh nghiệp (DN), giúp họ hiểu về CĐ và công nhân (CN) mình" - ông Mai Văn Viên, Chủ tịch CĐ Công ty CP Tân Việt Xuân, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động CĐ tại một hội nghị do LĐLĐ quận Bình Thạnh, TP HCM vừa tổ chức.
Kết nối công nhân với doanh nghiệp
Công ty CP Tân Việt Xuân trước đây là DN có vốn trong nước, sau đó có vốn của nước ngoài. Từ năm 2010, việc 2 lần thay đổi chủ đầu tư nước ngoài đã tạo nên những khác biệt về văn hóa DN. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn do hầu hết người lao động (NLĐ) trình độ không cao, khó thích ứng. Vì vậy, thời điểm ấy, CĐ đã ưu tiên xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đặt việc kết nối NLĐ với DN lên hàng đầu thông qua việc thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ.
Ông Phạm Như Huỳnh, Chủ tịch Công đoàn HTX Mây tre lá Ba Nhất (đứng, bìa phải) trao tặng nhà cho đoàn viên khó khăn
Ông Viên cho biết mỗi quý, CĐ tổ chức đối thoại từ 1-3 lần. Công ty có văn phòng ở quận Bình Thạnh, trong khi nhà máy ở huyện Củ Chi nên CĐ phải thuyết phục ban giám đốc đối thoại ở hai nơi. Dù việc này khiến cán bộ CĐ phải vất vả hơn rất nhiều nhưng chất lượng các buổi đối thoại đã đáp ứng sự kỳ vọng của DN lẫn NLĐ. Sự thông hiểu giữa ban giám đốc và NLĐ đã kéo giảm sự khác biệt về văn hóa và tạo môi trường làm việc thoải mái hơn. Chưa dừng lại đó, CĐ thường xuyên khởi xướng các phong trào thi đua lao động sáng tạo, tiết kiệm nguyên vật liệu trong CN, góp phần hỗ trợ DN ổn định sản xuất - kinh doanh. Điều này đã giúp DN hiểu được vai trò, vị trí của CĐ đối với quá trình phát triển của công ty. Từ đó, các chính sách liên quan đến NLĐ, ban giám đốc cũng dễ dàng chấp thuận hơn. DN cởi mở và hỗ trợ NLĐ nhiều hơn như hỗ trợ tiền nhà trọ cho NLĐ, tặng mái ấm CĐ, vé xe cho CN về quê đón Tết… "Ngoài tinh thần dấn thân vì đoàn viên, cán bộ CĐ cũng phải có chuyên môn tốt, có như vậy, DN mới coi trọng tiếng nói CĐ" - ông Viên nói.
Điều làm nên sức sống cho hoạt động CĐ tại HTX Mây tre lá Ba Nhất trong nhiều năm qua, chính là đội ngũ cán bộ CĐ biết cách dung hòa lợi ích DN và NLĐ. Điển hình như phong trào thi đua thiết kế mẫu mã sản phẩm mới được khách hàng nước ngoài ưa chuộng tại đơn vị đã đem lại lợi ích cho HTX, đồng thời kích thích sự sáng tạo của NLĐ. Hay như việc CĐ phối hợp ban giám đốc thực hiện chương trình hỗ trợ xây nhà ở làm cho CN càng gắn bó hơn.
Hy sinh vì đoàn viên
Liên tục 19 năm qua, CĐ Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Tây đều đạt CĐ cơ sở vững mạnh xuất sắc. Thành tích ấy không thể không nhắc đến tài lèo lái của chị Trương Thanh Tuyền, Chủ tịch CĐ trường. Bởi sự nhiệt huyết với công tác CĐ mà nhiều đoàn viên vẫn vui tính gọi chị là "Chủ tịch năng động". Bật mí về bí quyết tạo nên sức hấp dẫn cho CĐ trường suốt 19 năm qua, chị Tuyền cho rằng điều đầu tiên tạo nên sức mạnh của CĐ chính là sự đoàn kết và hy sinh.
Chị kể tất cả cán bộ CĐ trường đều kiêm nhiệm mà công việc giảng dạy đối với học sinh cấp 1 lại khá bận rộn, vì vậy chị và các cán bộ CĐ phải tận dụng hết thời gian rảnh rỗi để hoạt động CĐ. Như tranh thủ dịp hè, chị Tuyền nghiên cứu thêm về pháp luật lao động, cập nhật kiến thức về CĐ, lên kế hoạch cho hoạt động CĐ trong năm học mới, hay tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ, ban chấp hành sẽ có những cuộc họp ngắn trao đổi về nội dung hoạt động để kịp thời triển khai. Với mỗi nội dung, chị giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Chính sự chia sẻ đó đã tạo nên tinh thần đoàn kết trong nội bộ, nhờ vậy mà những phong trào do CĐ phát động được diễn ra thuận lợi. Nhiều năm làm công tác CĐ, chị Tuyền thừa nhận làm CĐ không khác gì làm dâu trăm họ bởi không phải lúc nào cũng làm hài lòng mọi người. Vì vậy, cán bộ CĐ phải thật sự khéo léo, kiên trì và gần gũi NLĐ. Điển hình như việc giúp các cô bảo mẫu được hưởng tất cả quyền lợi như nhân viên, giáo viên theo quy chế. Theo chị Tuyền, đội ngũ bảo mẫu được trường ký hợp đồng riêng và trả lương trực tiếp từ nguồn tiền công phục vụ bán trú do phụ huynh đóng góp. Họ không được thêm các khoản phụ cấp như giáo viên, nhân viên nên đời sống của các cô rất khó khăn. Tuy nhiên, để san sẻ quyền lợi cho họ không phải là chuyện dễ vì ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của giáo viên, công nhân viên khác. "Để mọi người ủng hộ, tôi đã nhiều lần đưa ra những minh chứng cụ thể từ sự đóng góp của các cô bảo mẫu cho thành tích chung của trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng tình. Do đó những khi có cơ hội, tôi hay thuyết phục mọi người hãy giúp đỡ những người xung quanh mình. Lâu dần, mọi người hiểu và chấp thuận. Khi ấy tôi cảm thấy hạnh phúc" - chị Tuyền tâm sự. "Đáp lại tấm chân tình của tập thể giáo viên, nhân viên, sau đó các cô bảo mẫu rất tích cực trong hoạt động chung của nhà trường và công tác CĐ. Đặc biệt, sau thời gian thử việc, các cô đều tự nguyện xin gia nhập tổ chức CĐ" - chị chia sẻ thêm.
"Cán bộ CĐ giỏi thì ngoài sự nhiệt tình, am hiểu luật còn phải gần gũi với NLĐ, thấu hiểu được công việc của họ, từ đó mới nhìn ra được những điểm hợp lý, không hợp lý để có những đề xuất xác đáng, mang lại quyền lợi thiết thực".
Ông PHẠM NHƯ HUỲNH, Chủ tịch CĐ HTX Mây tre lá Ba Nhất
Bình luận (0)