"Đến với Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam, các bạn cứ an tâm vì việc làm ổn định và các chế độ chính sách luôn bảo đảm. Gặp khó khăn, anh em cứ "níu áo" Công đoàn (CĐ) và tôi hứa sẽ làm mọi việc có thể để hỗ trợ các bạn". Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ TNHH May mặc Triple Việt Nam (100% vốn nước ngoài; huyện Củ Chi, TP HCM), chia sẻ như vậy tại buổi tuyên truyền Bộ Luật Lao động, Luật CĐ cho 42 công nhân (CN) mới tuyển dụng.
Dấn thân vì đoàn viên
Tác phong gần gũi cùng cách diễn giải dễ hiểu của ông Hải hoàn toàn thuyết phục CN mới. Nhiều CN khẳng định sẽ làm đơn xin gia nhập CĐ, bởi đã nghe "tiếng tăm" ông Hải đã lâu.
Ông Hải được LĐLĐ huyện Củ Chi, TP HCM giới thiệu về làm cán bộ CĐ Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam từ tháng 11-2010. Thời điểm ấy, CĐ công ty gần như không hoạt động, nhân sự ban chấp hành (BCH) biến động, tranh chấp lao động xảy ra thường xuyên. "Việc làm và thu nhập của CN ổn nhưng vì sao quan hệ lao động chưa tốt?". Câu hỏi ấy cứ ám ảnh, thôi thúc ông Hải bằng mọi giá phải vực dậy hoạt động CĐ.
Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam, phổ biến pháp luật cho công nhân
Việc đầu tiên của ông Hải là bắt tay củng cố nhân sự BCH và các tổ CĐ. Lựa chọn CN giỏi, có uy tín, tâm huyết với hoạt động phong trào làm nòng cốt, ông Hải đã thành công bước đầu trong việc kiện toàn nhân sự CĐ cơ sở. Chưa dừng lại đó, BCH CĐ chủ động xây dựng cơ chế làm việc với ban giám đốc, ưu tiên giải tỏa mầm mống bất ổn. Thiện chí ấy của ông Hải khiến ban giám đốc hài lòng và có cái nhìn thiện cảm hơn về CĐ, từ đó tích cực phối hợp với CĐ thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người lao động (NLĐ). Khi bản thỏa ước lao động tập thể đầu tiên được ký kết, vui nhất là tập thể CN khi quyền lợi, nhất là chính sách phúc lợi được định hình. Từ thời điểm ấy cho đến nay, tình hình tranh chấp lao động tại Công ty TNHH May mặc Triple đã không còn.
Ghé thăm công ty mới đây, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc thật sôi nổi, phấn chấn. Nhiều CN cho biết họ rất vui khi bản thỏa ước được ký kết đầu tháng 6-2017 có thêm nhiều khoản chăm lo cho NLĐ như phụ cấp ưu đãi, tiền chuyên cần, xăng xe, nhà trọ… Mức thưởng hằng năm thấp nhất bằng 1 tháng lương. Chị Võ Thị Liền, CN bộ phận hoàn thành, nhận xét: "Từ ngày anh Hải làm CĐ, quyền lợi CN được bảo đảm, chúng tôi rất yên tâm làm việc. Anh Hải là người dám nghĩ, dám làm".
Hiện số đoàn viên tại công ty đạt 94,78% trên tổng số 2.954 lao động đang làm việc. Bảy năm qua, ông Hải và các thành viên BCH không nề hà bất cứ việc gì, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên. Đặc biệt, từ hoạt động CĐ đã gắn kết NLĐ trong mái nhà chung của doanh nghiệp. Mới đây, hay tin nữ CN Néang Ri có con nhỏ bị di chứng não, gặp khó khăn về chi phí điều trị, CĐ lập tức phát động quyên góp khẩn cấp. Hưởng ứng lời kêu gọi của CĐ, tập thể lao động đã quyên góp gần 30 triệu đồng hỗ trợ gia đình chị Néang Ri. "Không có anh Hải và anh em đồng nghiệp giúp đỡ, vợ chồng tôi không biết xoay xở ra sao" - chị Néang Ri ứa nước mắt nói.
Tận tâm và đầy trách nhiệm
Trong số 12 thủ lĩnh CĐ vinh dự nhận Giải thưởng 28-7 năm nay, ông Lê Đình Chi, Chủ tịch CĐ Công ty CP Dược phẩm An Thiên, là người cao tuổi nhất (65 tuổi).
Trò chuyện với ông Chi, tôi khá bất ngờ khi biết ông từng là cán bộ CĐ lâu năm tại Công ty Bita’s. Những kinh nghiệm đã tích lũy trong những năm tháng làm cán bộ CĐ trước đó đã giúp ông rất nhiều khi lèo lái hoạt động CĐ tại Công ty CP Dược phẩm An Thiên.
Ông Lê Đình Chi, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dược phẩm An Thiên, luôn gần gũi với đoàn viên
"Vừa làm giám đốc hành chính nhân sự vừa làm chủ tịch CĐ, điều này có gây áp lực cho ông khi thực hiện vai trò đại diện cho NLĐ?" - tôi hỏi. Ông Chi trả lời rất chân tình: "Mình cứ làm việc bằng cái tâm trong sáng thì mọi người sẽ hiểu và tin tưởng mình. Làm cán bộ CĐ, không chỉ biết đại diện cho quyền lợi anh em CN mà còn phải biết đồng hành cùng ban giám đốc, có như vậy mới hài hòa lợi ích hai phía".
Để củng cố hoạt động CĐ cơ sở, hằng năm, ông Chi và BCH chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và thông báo để giám đốc công ty biết rõ. Điều này giúp lãnh đạo doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về hoạt động CĐ, từ đó có chính sách hỗ trợ thiết thực. Đơn cử như việc tổ chức đối thoại định kỳ hằng quý và hội nghị NLĐ hằng năm đã trở thành "pháp lệnh" mà hai bên cùng có trách nhiệm phối hợp thực hiện. Hay như việc xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Những đề xuất do CĐ đưa ra ngoài việc mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ thì những chính sách đó phải có tác động ngược trở lại, giúp cho doanh nghiệp ổn định, phát triển. Trên cơ sở nhận thức chung ấy, bản thỏa ước lao động của công ty có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ như giảm thời gian làm việc trong tuần từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/ tuần; ngoài việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định, hằng năm doanh nghiệp còn tăng lương cho NLĐ từ 10%-15%, hỗ trợ bữa ăn giữa ca (20.000 đồng/suất); đài thọ 100% chi phí tổ chức tham quan nghỉ mát hằng năm cho NLĐ...
Khi biết tin chủ tịch CĐ công ty được LĐLĐ TP xét trao tặng Giải thưởng 28-7, tập thể CN Công ty CP Dược phẩm An Thiên rất vui. Trong cái nhìn của CN, chủ tịch CĐ của họ là người am hiểu pháp luật, tận tâm và đầy trách nhiệm trong công việc, rất xứng đáng được trao giải thưởng cao quý của tổ chức CĐ.
Làm cán bộ CĐ, hạnh phúc nhất là khi được doanh nghiệp tôn trọng, đồng hành; được anh em CN yêu quý, tin tưởng. Tôi nghiệm ra một điều là cứ sống hết mình với anh em CN, tự khắc cán bộ CĐ sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lòng NLĐ" - ông Lê Trần Thanh Hải bộc bạch.
Bình luận (0)