Là Phó Tổng Giám đốc Công ty CP gỗ MDF VRG Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang), điều khiến ông Dương Tấn Thanh được lòng công nhân (CN) không chỉ ở sự gần gũi mà còn bởi sự xông xáo, luôn tiên phong trong mọi việc. Ông Thanh luôn cố gắng tìm tòi, đưa ra nhiều sáng kiến hữu ích, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp (DN).
Giúp công nhân bớt nhọc nhằn
Điển hình như sáng kiến "Sử dụng nguyên liệu 100% tràm bông vàng trong sản xuất ván MDF Carb, E1" của ông đã giúp công ty tiết kiệm gần 3,6 tỉ đồng mỗi năm so với việc sử dụng nguyên liệu bạch đàn.
Ông Dương Tấn Thanh cho biết DN đóng trên địa bàn hạn chế về nguồn nguyên liệu. Trước đây, khi sản xuất gỗ Carb, E1, DN sử dụng 100% gỗ bạch đàn, thế nhưng từ những tháng cuối năm 2020, nguồn gỗ này trở nên khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Trong khi đó, nguồn gỗ tràm bông vàng lại rất phong phú nhưng ít được sử dụng. Trước vấn đề nan giải của DN, ông Thanh đã mày mò nghiên cứu công thức thay thế gỗ ván Carb và E1 từ gỗ bạch đàn thành 100% gỗ tràm bông vàng.
Để thực hiện được điều này, ông đã điều chỉnh lại bộ thông số sản xuất phù hợp với sự thay đổi nguyên liệu nhưng vẫn giữ được chất lượng, đồng thời kết hợp điều chỉnh tăng áp nấu và thời gian nấu nhằm giảm tỉ lệ sợi thô, đạt chất lượng tương đương như sử dụng gỗ bạch đàn. Sáng kiến này được áp dụng đã làm lợi cho công ty hơn 290 triệu đồng/tháng.
Công nhân cao su tham gia hội thi thợ giỏi do Công đoàn Cao su Việt Nam tổ chức
Tương tự, ông Lang Xuân Hồng, Tổ trưởng Tổ 10 Nông trường Phú Riềng Đỏ - Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (tỉnh Bình Phước), cũng được đồng nghiệp quý mến bởi tinh thần sáng tạo. Một trong những sáng kiến nổi bật của ông là cải tiến máy thổi lá khô. Trước đây, để chống cháy cho vườn cây, CN phải dùng chổi quét lá, sau này sử dụng máy cắt cỏ có gắn cánh quạt để thổi lá nhưng hiệu quả không cao. Trước tình thế ấy, ông Hồng và các đồng nghiệp đã nghĩ cách sử dụng động cơ máy cày có sẵn trên thị trường, gắn kèm bộ thủy lực điều chỉnh quạt gió, cải tiến lồng thổi gió. Chiếc máy này có thể tạo ra luồng gió thổi sạch lá trên đường rộng 2 m. Ưu điểm của máy là dễ vận hành, an toàn, năng suất cao, một máy hoạt động liên tục một ngày có thể thổi được 20 - 25 ha, nhanh gấp 5 lần so với làm thủ công. Điều khiến ông Hồng vui nhất khi mỗi sáng kiến ra đời là giúp đồng nghiệp bớt nhọc nhằn và DN giảm chi phí sản xuất.
Vượt khó, sáng tạo
Nhiều năm qua, mô hình "Giúp nhau trở thành thợ giỏi" do Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông (tỉnh Gia Lai) khởi xướng luôn nhận được sự ủng hộ tích cực của đội ngũ lao động tại DN. Nhờ mô hình này mà tay nghề của người lao động được nâng lên đáng kể chỉ trong thời gian ngắn.
Chia sẻ về sáng kiến này, ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết trình độ tay nghề quyết định thu nhập của CN. Vì vậy, trên cương vị là Chủ tịch Công đoàn, ông luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao tay nghề của tất cả CN. Đó cũng chính là khởi nguồn của ý tưởng mô hình "Giúp nhau trở thành thợ giỏi". Thực hiện phong trào trên, trước mùa vụ khai thác, Công đoàn công ty giao cho Công đoàn mỗi đơn vị lọc ra những CN tay nghề kém và vận động các cán bộ kỹ thuật nông trường, tổ trưởng kèm cặp, giúp đỡ. Căn cứ vào kết quả lao động 3 tháng cuối năm, nếu tay nghề CN yếu được nâng lên khá, giỏi thì người kèm cặp sẽ được khen thưởng khích lệ. Nhờ phong trào này mà trình độ tay nghề của CN khai thác có sự tiến bộ vượt bậc so với trước. "Hiện bình quân CN có tay nghề khá giỏi đạt 78,62%, tăng khoảng 8% so với năm trước và trực tiếp góp phần giúp công ty về trước kế hoạch năm. Điều đáng mừng nhất là từ phong trào đã giúp nâng cao thu nhập của người lao động, giúp họ có cuộc sống ổn định, sung túc hơn" - ông Tiến nói.
Nhiều năm công tác tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, ông Phạm Ánh Phương, Tổ trưởng Tổ cơ giới, được xem là bậc thầy về cơ giới hóa. Đam mê máy móc và luôn mong muốn giải phóng sức người trên vùng đất cao su nên những năm qua, ông liên tục nghiên cứu, sáng chế các hệ thống, thiết bị cơ giới trong khâu trồng cây cao su. Trong đó, phải kể đến "hệ thống thiết bị bón phân lót hố trồng cây cao su tự động".
Trước đây, CN phải tốn nhiều công sức và thời gian để bón phân trước khi trồng cây cao su. Đến mùa vụ, công ty phải tăng cường nhân sự cho công đoạn này. Trăn trở trước thực tế ấy, ông đã mày mò chế tạo thiết bị bón phân tự động. Thiết bị này có thể trộn đều, tán nhuyễn các loại phân cần bón nhờ bơm thủy lực. Số lượng phân bón cho mỗi hố trồng cao su được định lượng chính xác bằng buồng định lượng cố định. Với công suất từ 10 - 15 ha/ngày, thiết bị này hoàn toàn có thể thay thế cho khoảng 26 - 39 lao động thủ công. Sáng kiến ra đời ngay thời điểm dịch bệnh bùng phát đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại đơn vị.
Bình luận (0)