Trong căn nhà còn thơm mùi sơn tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, anh Phan Thanh Vũ đang hướng dẫn cậu con trai lớn ôn bài; còn vợ anh - chị Phạm Thị Hương - vui đùa cùng cậu con trai nhỏ. Chứng kiến cảnh sinh hoạt đầm ấm ấy, ít ai biết được 2 năm trước, vợ chồng anh Vũ phải thuê nhà trọ, nóng bức, ngột ngạt. Anh Vũ và chị Hương đều là công nhân (CN) Công ty Freetrend - KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức, TP HCM).
Đồng vợ đồng chồng
Rời tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để đến Công ty Freetrend làm CN từ năm 2003 với mức lương lúc ấy chỉ 626.000 đồng/tháng, anh Vũ không dám nghĩ rằng mình có thể trụ lại được TP. Tại bộ phận vật tư của công ty, anh đã gặp một nửa của mình là cô gái đồng hương Phạm Thị Hương. Cưới nhau, vợ chồng phải thuê nhà trọ gần công ty để tiện đi làm. Rồi cậu con trai lớn ra đời trong lúc cuộc sống bộn bề khó khăn, căn phòng trọ nhỏ xíu, nóng bức, ngột ngạt phải ở đến 4 người: vợ chồng anh, con trai và bà ngoại lên trông cháu. “Những ngày mát mẻ không sao nhưng lúc trời nóng, thằng bé không chịu được, khóc ngằn ngặt, vợ chồng tôi nhìn nhau ứa nước mắt, mơ ước một căn nhà cho riêng mình để cuộc sống đỡ vất vả hơn” - anh Vũ kể.
Để thực hiện ước mơ ấy, anh theo học trung cấp sửa chữa điện thoại của Trường Đại học Bách khoa TP HCM. Tốt nghiệp loại giỏi, anh đi làm thêm, dạy thêm. Khi nghề sửa điện thoại không còn “sốt”, anh tự mày mò học organ để biểu diễn ở các nhà hàng tiệc cưới hoặc phục vụ tiệc sinh nhật cho các gia đình. Tích cóp và tằn tiện mãi, cuối năm 2013, vợ chồng anh Vũ mua được căn nhà nhỏ, xinh xắn (1 trệt, 1 lầu) tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương với giá 700 triệu đồng. Chị Hương cho biết thời điểm mua nhà vợ chồng chỉ có hơn nửa số tiền, còn lại phải vay ông bà nội - ngoại và anh em. “Đêm đầu tiên dọn về nhà mới, vợ chồng vui đến nỗi không thể ngủ được và không tin rằng giấc mơ an cư đã thành hiện thực. Có được mái ấm là nhờ vợ chồng chung sức, chung lòng” - anh Vũ chia sẻ.
Có chỗ ở ổn định, vợ chồng anh Vũ mừng khôn tả nhưng món nợ vẫn còn canh cánh. Anh Vũ liên tục chạy sô ở các đám cưới, liên hoan, sinh nhật, kiếm được từ 400.000-500.000 đồng/đêm, còn chị Hương miệt mài tăng ca, làm thêm. Đến nay, vợ chồng anh đã thanh toán hết nợ.
Kiến tha lâu đầy tổ
Một tấm gương chịu khó, chắt chiu khác để hiện thực hóa ước mơ an cư là vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương, CN Công ty Saigon Precision (KCX Linh Trung 1).
15 năm trước, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Phương rời Nam Định vào TP HCM làm CN. Ở nơi đất khách quê người, chị quen và kết hôn với một anh thợ mộc thật thà cùng quê. Năm 2001, bé Lê Minh Hoàng ra đời trong căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp. Không có người chăm sóc, vợ chồng chị phải gửi con về quê cho ông bà nội trông giúp. “Nhớ con đứt ruột nhưng vợ chồng tôi không thể giữ con ở lại TP vì điều kiện sinh hoạt quá bất tiện” - chị Phương cho biết.
Gom góp tiền tích cóp và vay mượn thêm anh em, vợ chồng chị Phương mua được mảnh đất nhỏ với giá 90 triệu đồng ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đầu năm 2015, vợ chồng chị xây mái ấm cho riêng mình. “Vừa trả tiền mua đất vừa dành dụm tiền để xây nhà, vợ chồng tôi đối diện với không ít áp lực. Nhưng giờ đây, tôi vui lắm vì giấc mơ an cư đã thành hiện thực. Niềm vui được nhân đôi khi vợ chồng đón cháu lên ở cùng để tiện chăm sóc, dạy dỗ” - chị Phương bộc bạch.
Cũng từ 2 bàn tay trắng mua được nhà tại TP là vợ chồng chị Hoàng Thị Lợi (Công ty CP Gia Định - Phong Phú, thuộc Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định). Thấm thía nỗi cơ cực, khó khăn của CN nghèo thuê trọ nên vợ chồng chị quyết tâm “có mảnh đất cắm dùi”. Tạm hoãn việc sinh con và tích cực tăng ca, đến năm 2001, vợ chồng chị đã mua được mảnh đất và xây được một căn nhà cấp 4 tại xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn. “Có ngôi nhà riêng bằng mồ hôi công sức của mình, vợ chồng tôi tự hào với những gì đã làm được” - chị Lợi tâm sự.
góc nhìn
Đồng hành
Tha phương kiếm sống, ước mơ của số đông công nhân (CN) ngoại tỉnh là an cư và lạc nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện được ước mơ ấy bởi đồng lương eo hẹp, chưa kể phải gánh thêm trách nhiệm chăm sóc ba mẹ ở quê. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, chịu thương chịu khó, nhiều người trong số họ đã thực hiện ước mơ an cư nơi đất khách quê người.
Số liệu khảo sát về đời sống CN của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy hằng tháng mỗi CN phải chi từ 250.000-350.000 đồng tiền thuê nhà. Đồng lương bèo bọt khiến CN phải thuê nhà trọ với điều kiện vệ sinh, môi trường tạm bợ. Hiểu được trăn trở ấy, nhiều năm qua, các cấp Công đoàn (CĐ) TP đã vận động, khuyến khích doanh nghiệp (DN) hoàn thiện chính sách đãi ngộ, chăm lo cho CN, trong đó có chính sách chăm lo nhà ở. Tại TP HCM, nhiều DN sử dụng đông CN như Công ty CP Giày Khải Hoàn (huyện Bình Chánh), Công ty Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp), Công ty TNHH May Vạn Thành (quận Thủ Đức)... đã đầu tư tiền tỉ xây nhà lưu trú, ký túc xá với đầy đủ tiện nghi để CN an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với DN. Giá thuê phòng chỉ tính tượng trưng hoặc hoàn toàn miễn phí nên đã san sẻ phần nào khó khăn của CN. Sát cánh cùng cơ sở, LĐLĐ TP cũng đã triển khai nhiều chương trình chăm lo thiết thực nhằm giúp CN có chỗ ở ổn định, điển hình là việc sớm khởi động chương trình “Cải thiện nhà ở”. Kinh phí thực hiện từ nguồn tích lũy của CĐ và Quỹ Trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Đến nay, chương trình đã cấp vốn cho 2.514 lượt phát vay với tổng số tiền 73,12 tỉ đồng, giúp CN thu nhập thấp có điều kiện để xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, bên cạnh nỗ lực tự thân, người lao động rất cần sự quan tâm, san sẻ của các DN và các cấp CĐ để hiện thực hóa giấc mơ an cư. “Biết nâng niu vốn quý và phối hợp với tổ chức CĐ chăm sóc chu đáo nguồn lực, giúp họ ổn định cuộc sống lâu dài, DN sẽ phát triển căn cơ và bền vững hơn” - ông Tùng khẳng định.
An Khánh
Bình luận (0)