Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định tình trạng người lao động (NLĐ) phải thôi việc, giảm giờ làm vào những tháng cuối năm chỉ là hiện tượng cục bộ và mang yếu tố ngành nghề. Tuy nhiên, việc cắt giảm lao động diễn ra ở một số doanh nghiệp (DN) thâm dụng lao động như dệt may, da giày... đã tạo hiệu ứng tiêu cực trong bối cảnh thị trường lao động vừa phục hồi sau đại dịch COVID-19. Do đó, giữ việc làm cho NLĐ là ưu tiên hàng đầu để các DN chuẩn bị cho thị trường phục hồi trở lại.
Duy trì sản xuất
Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động nhất hiện nay. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết không chỉ riêng ngành dệt may Việt Nam khó khăn mà bao trùm cả thị trường toàn cầu cũng vậy, khi tổng lượng cầu của thế giới đột ngột giảm sút do suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đó, ngoài những đòi hỏi ngày càng khắt khe như: giảm giá sản xuất, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng cao hơn…, các nhãn hàng còn yêu cầu DN trong chuỗi cung ứng phải tuân thủ nhiều chính sách phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải... "Giải pháp quan trọng của ngành dệt may hiện nay là nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi. Do đó, phải giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để khi thị trường phục hồi là đáp ứng được yêu cầu" - ông Trường nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp dệt may xoay xở để giữ việc làm cho người lao động
Các DN thuộc Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEX) đang tìm giải pháp để duy trì sản xuất, giữ chân NLĐ với mục tiêu không để NLĐ nào bị nghỉ việc vì tình trạng thiếu đơn hàng. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch AGTEX, cho hay có gần 70% DN trong hội bị ảnh hưởng đơn hàng với mức độ giảm từ 20%-30%, chủ yếu là các đơn hàng xuất khẩu. Song vẫn còn khoảng 30% DN có đơn hàng ổn định. "Hiện các DN thuộc AGTEX không tăng ca, thậm chí giảm giờ làm trong tuần để duy trì sản xuất giúp NLĐ có việc làm. Các DN trong hội tìm kiếm thêm những đơn hàng nhỏ và liên kết sản xuất, bù đắp thu nhập cho NLĐ" - ông Hồng nói.
Về phần chăm lo Tết cho NLĐ, mặt bằng chung của các DN trong hội là thưởng 1,5 tháng thu nhập. Trong đó, một số DN sẽ thực hiện chi thưởng trước Tết 1 tháng và sau Tết nửa tháng. Cách làm này vừa giữ chân NLĐ và cũng để NLĐ có khoản để chi tiêu sau Tết vì sản xuất chưa phục hồi ngay.
Là một trong số những DN dệt may lớn ít bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Ngọc Lân, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Nhà Bè, cho rằng dù giảm giờ làm nhưng May Nhà Bè vẫn duy trì không khí sản xuất trong nhà máy. "Một là để NLĐ yên tâm trở lại nhà máy sau Tết, hai là bảo đảm nhà máy bắt nhịp sản xuất ngay khi thị trường phục hồi. Hơn nữa, việc duy trì sản xuất sẽ củng cố niềm tin của các nhãn hàng lớn, giúp họ yên tâm đặt hàng các DN Việt" - ông Lân lý giải.
Tiếp sức người lao động
Trước biến động của thị trường lao động trước Tết, nhất là sau khi một số DN bị giảm đơn hàng đã buộc phải sắp xếp lại thời gian làm việc hay phải cắt giảm lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM cho biết đang tập trung rà soát nhu cầu việc làm của NLĐ, đồng thời chủ động làm việc với nhiều tỉnh, thành lân cận để chuẩn bị tổ chức các sàn giao dịch việc làm trước và sau Tết Nguyên đán 2023 để tránh thiếu hụt lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, trong quá trình khảo sát nhu cầu việc làm của NLĐ, nhiều người có mong muốn tiếp tục ở lại làm việc, tìm việc mới nhưng cũng có không ít người chưa có ý định tìm việc ngay, mà đợi qua Tết. Thường mỗi năm, sau Tết là thời điểm cung cầu lao động khá biến động khi NLĐ quay lại thành phố tìm việc, cũng có nhiều người không quay lại công ty cũ...
"Để chủ động nguồn cung lao động, kết nối cung - cầu việc làm chủ động, tránh những bất cập có thể xảy ra sau kỳ nghỉ Tết, Sở LĐ-TB-XH TP HCM sẽ kết nối với các tỉnh, thành theo hình thức trực tuyến để DN và NLĐ tìm việc và tuyển dụng thuận lợi. Qua đó, khi NLĐ trở lại thành phố sẽ có việc làm ngay" - ông Lâm nói.
Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI, cho rằng việc kết nối việc làm cho NLĐ mất việc là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, cần có những chính sách hỗ trợ để các DN giữ chân NLĐ. Khảo sát của VCCI cho thấy nhiều DN đều muốn giữ chân NLĐ nhưng áp lực chi phí khiến DN "kham không nổi".
Vì vậy, nhà nước cần có những chính sách với các thủ tục đơn giản, đa dạng hóa nguồn tín dụng, nới lỏng điều kiện để DN dễ tiếp cận, hỗ trợ về tài chính để DN duy trì đội ngũ lao động. Đồng thời, xem xét miễn giảm phí Công đoàn, giãn đóng BHXH để DN có thêm nguồn lực duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng là giữ việc cho NLĐ.
Cần Thơ: Gần 1.400 vị trí việc làm chờ người lao động
Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Cần Thơ cho biết thời điểm này, có 57 DN đang có nhu cầu tuyển dụng 1.388 vị trí việc làm ở các nhóm ngành nghề: sản xuất may mặc, giày da, chế biến thực phẩm, kinh doanh... Trong đó, ngành dệt may - da giày cần tuyển 350 người, chế biến thủy sản 200 người, chế biến thực phẩm 100 người, ngành xây dựng, kỹ thuật 83 người, dịch vụ 655 người. Yêu cầu tuyển dụng của các DN có trình độ từ lao động phổ thông, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học... Riêng lao động phổ thông, không đòi hỏi khắt khe tay nghề.
Để tạo cung - cầu cho DN và NLĐ, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng định kỳ 2 lần/tháng; ngày hội việc làm tại trường; tư vấn việc làm, học nghề, kỹ năng cho lao động tại các quận, huyện; ngày hội việc làm thời vụ Tết dương lịch.
Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Cần Thơ, trong năm 2022, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp ước tính là 13.867 người (tăng 25,19% so với năm 2021). Trong đó, có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp ở nhóm tuổi từ 25-40 chiếm 66,07%. Trước tình hình trên, trung tâm đã hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề tại nhiều cơ sở với thời gian đào tạo phù hợp điều kiện và hoàn cảnh của họ.
N.Huỳnh
Bình luận (0)