"Trong báo cáo, nhóm chuyên gia nói giai đoạn 2004-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương là 5,8% nhưng năng suất lao động chỉ tăng 4,4%.Tôi hỏi thì ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam, trả lời con số 4,4% mà báo cáo đề cập là năng suất lao động xã hội. Nhóm nghiên cứu lấy lương tối thiểu ở khu vực công nghiệp so sánh với năng suất lao động xã hội là hoàn toàn khập khiễng". Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã phát biểu thẳng thắn như vậy tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) tổ chức mới đây.
Máy móc, thiết bị cũ kỹ nhưng lại cứ đòi năng suất lao động cao!
Phát biểu của người đại diện tổ chức Công đoàn đã quá rõ ràng. Đang có hiện tượng đánh tráo khái niệm trong các nghiên cứu, báo cáo. Không biết vô tình hay hữu ý khi nhiều người cứ kêu gào mức tăng lương tối thiểu quá cao so với mức tăng năng suất lao động dù hai việc này chẳng ăn nhập gì với nhau. Đáng nói hơn, qua các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia và các nghiên cứu, hội nghị, hội thảo khác cho thấy một điều: người ta đã cố tình lẫn lộn giữa lương tối thiểu và tiền lương.
Tưởng cũng nên nhắc lại, "tiền lương" được quy định tại điều 90, còn "mức lương tối thiểu" được quy định tại điều 91 Bộ Luật Lao động (BLLĐ). Nếu muốn đặt mức tăng năng suất lao động lên bàn cân so sánh thì vế bên kia phải là tiền lương chứ không thể là lương tối thiểu. Nếu ai đó đem mức tăng lương tối thiểu để so sánh với mức tăng năng suất lao động thì có thể là quá kém cỏi hoặc là cố tình tung hỏa mù để người khác hiểu nhầm.
Có thể có năng suất lao động xã hội cao khi sản xuất nông nghiệp lạc hậu như thế này chăng?
Nhóm nghiên cứu của VEPR cần phải học lại quy định về tiền lương là lương tối thiểu. Theo đó, tiền lương (điều 90 BLLĐ) là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.
Còn lương tối thiểu (điều 91 BLLĐ) là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Chuyện đơn giản như vậy mà nói hoài vẫn không hiểu thì chúng tôi đóng thuế để trả lương cho các vị thật phí.
Bình luận (0)