Chung tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghệ TP HCM 2 năm nay vẫn chưa xin được việc. "Em nộp hồ sơ vào mấy công ty tin học nhỏ, công việc chủ yếu là sửa máy tính, bảo hành bảo trì cho các công ty. Việc ít nên lương chỉ 5 triệu/tháng, làm mấy chỗ em chán bỏ đi làm nhân viên chăm sóc khách hàng rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Giờ làm xe ôm như vầy lại khỏe, em chạy từ 6h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Thu nhập 9-10 triệu/tháng "tiền tươi, thóc thật"" - Chung vui vẻ
Lận đận tìm việc
Một cử nhân nữa "chuyển nghề" xe ôm công nghệ là Hoàng Văn Kim. Kim tốt nghiệp đại học Kinh tế được hơn 10 năm, cũng kinh qua nhiều nghề: Hết làm tiếp thị cho bột giặt lại làm tiếp thị cho hãng sữa. Sau đó, bao nhiêu tiền tiết kiệm Kim đổ vào đầu tư quán cà phê. Khách ít, mặt bằng tiền cao, cố gắng cầm cự được hơn năm thì phải đóng cửa.Năm ngoái Kim lại về làm tiếp thị cho công ty nước ngọt, hiện vợ anh sắp sinh. Giờ Kim chạy Grab kiếm thêm chút tiền chuẩn bị đón con. Kim chia sẻ: "Trước hầu như chiều nào mình cũng nhậu, hết đồng nghiệp, bạn bè, họ hàng, lại hàng xóm vừa tốn tiền vợ lại cằn nhằn. Từ hồi chạy xe ôm mình "ngoan" hẳn, làm cả ngày tối mệt là về ngủ chẳng có thời gian đâu mà tụ tập".
Chung "bén duyên" với Grab được 6 tháng. Cử nhân tin học này thường chạy vào ban đêm vừa mát, đường không bị kẹt, giá cước cũng cao hơn. Tuy nhiên cái gì cũng có cái giá của nó, chạy buổi đêm rất nhiều nguy hiểm rình rập. Chung kể: "Nhiều người say rượu lên xe là ngủ gục, mình đi xe bằng một tay, tay kia giữ, sợ khách ngã xuống đường thì mình cũng khổ. Hoặc có cô gái làng chơi mặc quần áo cũn cỡn, chở đến khách sạn thì bảo: "Em hết tiền rồi, chút xíu anh quay lại lấy nha". Không lẽ có hơn chục ngàn mình lại khó dễ họ". Tài xế chạy ban đêm thường sợ nhất gặp cướp, nên khách nào bắt xe đến các khu: Bình Hưng Hòa, Tên Lửa, Trung Sơn… là Chung không dám nhận. Nhiều khi có khách vẫy dọc đường, nếu bắt khách ngoài sẽ không phải trả phí công ty nhưng không tài xế nào dám dừng xe: "Nếu lỡ xảy ra chuyện gì thì công ty không có thông tin của khách để giúp đỡ" - Chung cho biết.
Vợ Kim cũng có những nỗi lo lắng về công việc mới của chồng. Kim tâm sự: "Mình thường chạy từ 7h tối đến 12h đêm, song chạy xe ôm không chủ động được, nhiều khi khách đặt cuốc đi xa, lúc nào bắt tuyến ngược lại không được nên có hôm 1-2h sáng mới về đến nhà. Ngày nào vợ cũng ngồi chờ đến khi chồng về mới dám ngủ, có hôm đang chạy xe không biết vợ gọi, mở ra 5 cuộc gọi nhỡ gọi lại vợ khóc bù lu bù loa: "Em gọi anh mãi không được, tưởng anh bị sao, đang tính gọi công an".
Đứng đợi khách ở công viên Văn Lang (quận 5, TP HCM), tài xế Nguyễn Văn Hùng (26 tuổi, tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Huế) chia sẻ: "Quê em ở miền Trung, hồi mới ra trường em tính về quê. Cứ tưởng về quê sẽ dễ xin việc hơn thành phố nhưng không phải vậy, gia đình em hỏi han khắp nơi, trường nào cũng có mấy chục hồ sơ đang đợi, nhiều bạn dạy hợp đồng 5-6 năm chưa vào được biên chế. Chờ 6 tháng không có kết quả, em vào huyện Lai Vung (Đồng Tháp) làm quản lý khách sạn cho người họ quen. Lương 6 triệu/tháng bao ăn ở, mức lương không thấp, công việc cũng nhàn nhưng ở đó rất buồn, lại không có cơ hội để được làm việc đúng chuyên môn".
Làm được 1 năm, Hùng lên TP HCM xin làm giáo viên trong một trường tư, lương 6 triệu nhưng tiền nhà trọ, ăn uống thì hết sạch. Nam giáo viên này cũng muốn làm thêm gì đó vào buổi tối, nhưng phục vụ nhà hàng, bán hàng…chỉ phù hợp với các em sinh viên. Hùng chọn chạy xe ôm công nghệ, thời gian linh hoạt, bữa nào khỏe thì chạy từ 7h tối đến 11h khuya, hôm nào có hẹn với bạn bè thì tắt máy không phải gò bó.Trả lời câu hỏi: "Thầy giáo chạy xe ôm có ngại không", Hùng chân thành: "Ngại chứ. Hôm bữa gặp chị phụ huynh may mình đeo khẩu trang nên chị ấy không nhận ra. Mặc dù kiếm đồng tiền chính đáng, nhưng mình không thích phụ huynh và các học sinh thấy thầy giáo phải lam lũ để kiếm sống. Hiện hai đứa em, đứa học năm 3, đứa học năm cuối, mình xác định chỉ chạy xe đến khi các em ra trường. Sau này mình sẽ học lên thạc sĩ, tập trung vào chuyên môn, mặc dù công việc này thu nhập cao nhưng không phải sự lựa chọn lâu dài".
Ảnh minh họa.
Hùng cho biết: “Trung bình một buổi tối em chạy được 5-6 chuyến. Xe ôm công nghệ giá rẻ hơn xe ôm truyền thống nên hầu như khách nào cũng “bo”. Ví dụ trên điện thoại báo chuyến đi hết 32 ngàn, khách thường đưa 35, 40 ngàn, có người đưa cả 50 ngàn mà không lấy tiền thừa.
Do đó, trừ chi phí, mỗi tối Hùng cũng được hơn 100 ngàn, cộng thêm với chạy 2 ngày cuối tuần thì thu nhập cũng ngang với lương giáo viên hàng tháng. Từ hồi chạy xe Grab, mỗi tháng Hùng phụ giúp bố mẹ 3 triệu để lo cho hai em.
Gian nan nghề tài xế
Nỗi lo lắng của Hùng cũng là tâm sự chung của nhiều tài xế Grab hiện nay. Cuối tháng 3 vừa qua, Grab công bố mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.
Liên quan đến câu chuyện sáp nhập của Uber và Grab hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng sau sáp nhập, lực lượng lái xe của Uber nhập về Grab gặp khó khăn là điều dễ nhận thấy nhất. Ngoài ra, so với Uber trước kia, Grab không có nhiều chương trình khuyến mại bằng. Lợi ích của người tiêu dùng vì thế cũng giảm đi. Điều này dẫn tới các tài xế Grab cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo các tài xế, lượng khách giảm không phải nỗi lo lớn nhất của các tài xế Grab mà là mức chiết khấu nộp về công ty mẹ quá cao. Để tồn tại được với hàng loạt những khó khăn này, lái xe không còn cách nào khác là phải tăng cường chạy thêm giờ nhằm bù lại phần thu nhập.
Nhiều tài xế hãng này cũng đang chật vật tìm cho mình những hướng đi khác. Nhiều người chán nản nghỉ chạy, tìm đường trở về taxi truyền thống, thậm chí bán xe làm công việc khác.
Một tài xế cho hay: trước đây từng là đối tác của Uber. Cách đây gần hai tháng, hãng này rời khỏi thị trường Việt Nam, anh và nhiều tài xế buộc phải chuyển sang các công ty khác, trong đó, phần nhiều gia nhập Grab.
Thời gian đầu, anh và đồng nghiệp nghĩ khi Uber ra đi, mảng gọi xe công nghệ trong nước phần nhiều chỉ còn Grab nên thu nhập sẽ tăng lên. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày đầu tiên rước khách qua ứng dụng mới, anh và các tài xế khác đã vỡ mộng.
“Mấy ngày đầu, app nổ (ứng dụng thông báo có khách đặt xe) nhiều thật, thấy mà phát ham nhưng càng về sau, lượng khách đặt bỗng nhiên giảm đi hẳn. Thu nhập giảm còn một nửa”, anh cho biết.
Một tài xế khác phân tích: Đối tác của Grab hiện tại quá đông khi gồm tài xế cũ, tài xế mới và những người từ Uber chuyển sang. Khi khách hàng đặt xe, số lượng cuốc phải chia ra cho mỗi người nên thời gian chạy bị giảm đi.
Ngoài mức chiết khấu được cho là khá cao, hãng còn có những quy định khắt khe, nếu không thực hiện sẽ bị khóa tài khoản. “Thu nhập mỗi ngày một giảm, chúng tôi phải chi cho xăng dầu, bảo dưỡng phương tiện, nhất là vào mùa mưa dễ hư xe nên không còn được bao nhiêu. Hiện nhiều khách phản ánh về Grab tăng giá nhưng theo tôi, khách hàng nên thông cảm bởi phí tăng này ít nhưng hỗ trợ tài xế rất nhiều”, một tài xế bày tỏ.
Không riêng mảng “xe ôm công nghệ”, trước thực trạng ế ẩm, chế độ đãi ngộ không tốt, nhiều tài xế GrabCar đã quyết định đóng ứng dụng, tìm một công việc khác ổn định hơn.
Khi quyết định nghỉ việc, một tài xế chia sẻ: “Từ ngày chạy ứng dụng mới, tôi chỉ toàn nhận được những cuốc ngắn giá 20.000-25.000 đồng. Nếu chỉ xuất hiện thỉnh thoảng thì không sao nhưng đằng này lại kéo dài từ ngày này qua ngày khác, làm sao sống nổi. Tình trạng này không chỉ riêng tôi đâu, mà nhiều tài xế khác cũng gặp phải”.
Hiện tại, thương vụ Grab mua lại Uber tại Việt Nam đang trong quá trình điều tra chính thức bởi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương). Quyết định được ban hành ngày 18/5 với nội dung điều tra là vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, Cục này sẽ tiến hành điều tra vụ việc theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh. Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức. Trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá 2 lần, mỗi lần không quá 60 ngày.
Sau khi kết thúc điều tra chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 16/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã thông báo kết quả sơ bộ vụ việc này. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Cục Cạnh tranh nhận định vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3, Chương II, Luật Cạnh tranh 2004.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm 30-50% trên thị trường liên quan mà không thông báo trước cho cơ quan cạnh tranh, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
Bình luận (0)