“Tôi không hề vi phạm kỷ luật nhưng không rõ vì lý do gì cuối tháng 7-2015, giám đốc công ty nói sẽ cho tôi nghỉ việc. Khi đó, công ty ra điều kiện nếu tôi đồng ý ký vào đơn xin thôi việc (được đánh máy sẵn) thì sẽ được bồi thường 1 tháng lương; còn không thì tôi vẫn phải nghỉ việc mà không được gì. Nay tôi nghỉ việc gần 2 tháng mà công ty vẫn chưa ra quyết định thôi việc và thực hiện lời hứa”. Chị Nguyễn Kim Minh, nhân viên Công ty A.C (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết như vậy trong đơn khiếu nại gửi Báo Người Lao Động.
Bị “tố” ngược
Dù công ty chưa ra quyết định thôi việc nhưng thấy thái độ giám đốc quá cương quyết; hơn nữa, sau thời điểm đó, chị Minh không được công ty bố trí công việc nên từ ngày 31-7, chị không đến công ty nữa. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tăng, giám đốc công ty, thừa nhận có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với chị Minh. “Thời điểm chưa sắp xếp được công việc mới, chị Minh không làm gì nhưng vẫn được trả lương đầy đủ; thế nhưng chị ta không chịu, sau đó tự ý bỏ việc. Đến giờ này, công ty vẫn chưa ra quyết định thôi việc thì sao nói chúng tôi đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà đòi bồi thường?”. Ông Tăng nói như vậy và quả quyết nếu chị Minh “làm quá”, ông sẽ kiện chị vì tự ý bỏ việc.
Đại diện Phòng LĐ-TB-XH quận 12, TP HCM giải đáp thắc mắc về pháp luật lao động cho công nhân
Anh Nguyễn Đức Thanh, nhân viên thiết kế web của Công ty D.L (quận 1, TP HCM), cũng đột ngột bị cho thôi việc, không được bồi thường mà còn bị công ty giữ luôn nửa tháng lương vì tự ý bỏ việc! Anh Thanh cho biết tuy HĐLĐ đến tháng 11-2015 mới hết hạn nhưng ngày 14-7, ông Lê Mạnh Dũng, quản lý công ty, đột ngột yêu cầu anh bàn giao và nghỉ việc ngay. Khi anh phản đối thì ông Dũng cho xem nội dung tin nhắn mà ông Nguyễn Chánh Thi, giám đốc công ty, gửi cho ông với nội dung nếu anh Thanh vẫn tiếp tục đi làm thì sẽ không được trả lương. Sợ đi làm không công, hôm sau anh Thanh nghỉ việc.
Khi anh Thanh khiếu nại, ông Thi cho rằng ông Dũng không phải là chủ doanh nghiệp (DN) nên không có quyền cho nhân viên nghỉ việc. “Chưa có quyết định của tôi mà anh ta nghỉ việc tức là tự ý bỏ việc rồi còn gì?” - ông Thi nhấn mạnh như vậy.
Sơ sẩy là thiệt thòi
Tại buổi tập huấn về thủ tục khởi kiện án lao động do LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây, thẩm phán Nguyễn Văn Bình - Phó Chánh Tòa Lao động, TAND TP HCM - chia sẻ: Bằng chứng quan trọng để xác định việc chấm dứt quan hệ lao động là quyết định thôi việc. Do sơ suất hoặc thiếu hiểu biết nên nhiều người lao động (NLĐ) đã nghỉ việc trước khi nhận được quyết định. Điều này gây bất lợi cho NLĐ khi khởi kiện ra tòa vì dễ xảy ra tình huống người sử dụng lao động “tố ngược” NLĐ tự ý bỏ việc.
Do đó, ông Bình khuyến cáo NLĐ khi không đồng ý và chưa nhận được quyết định thôi việc từ người có thẩm quyền của DN thì phải tiếp tục làm việc bình thường. Trường hợp công ty có hành vi cản trở không cho làm việc thì NLĐ nên nhờ cơ quan công an, LĐLĐ, phòng LĐ-TB-XH địa phương can thiệp và lập biên bản vụ việc. Thẩm phán Nguyễn Văn Bình lưu ý: “Biên bản này sẽ là bằng chứng để tòa xác định hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của DN”.
Thắng kiện nhờ biết luật
Một kinh nghiệm quý được anh Phạm Hữu Thắng - nhân viên một công ty ở quận 1, TP HCM - chia sẻ: Nhờ hiểu biết pháp luật và tuân thủ quy trình nên mới đây, anh đã thắng kiện, công ty phải bồi thường cho anh gần 80 triệu đồng. Theo đó, tháng 4-2014, sau một phiên tranh luận nảy lửa, anh Thắng bị giám đốc đuổi việc. Cho rằng chỉ là lời nói lúc tức giận nhất thời của giám đốc và chưa nhận được quyết định nên anh Thắng vẫn tiếp tục đến công ty làm việc. Tuy nhiên, anh bị bảo vệ ngăn chặn không cho vào. Anh đã đề nghị công an phường đến lập biên bản vụ việc. “Ban đầu, công ty lật lọng bảo tôi tự nghỉ việc nhưng nhờ biên bản này, công ty không thể chuyển trắng thành đen được” - anh Thắng nói.
Bình luận (0)