“Lúc trước, tôi là công nhân (CN) của một công ty may ở quận Bình Tân, TP HCM. Khi chồng tôi bị tai nạn lao động, do phải nghỉ làm dài ngày để chăm sóc anh ấy nên tôi bị công ty cho nghỉ việc luôn. Giờ sức khỏe chồng đã tạm ổn, tôi xin đi làm lại nhưng không nơi nào nhận vì đã lớn tuổi, đành phải đi giúp việc nhà để kiếm tiền thuốc thang cho anh ấy. Con gái tôi đang học lớp 11 cũng phải nghỉ, đi làm phụ giúp gia đình. Nếu như chồng tôi được hưởng BHYT, chế độ trợ cấp tai nạn lao động thì gia đình không khốn khó như bây giờ” - chị Nguyễn Thị Mỹ Loan (huyện Bình Chánh, TP HCM) tiếc nuối.
Chỉ vì cái lợi trước mắt
Năm 2005, anh Nguyễn Văn Việt, chồng chị Loan, được Công ty T.C (quận Tân Bình, TP HCM) nhận vào làm CN bốc xếp hàng hóa. Để lách luật và trốn đóng BHXH, dù anh Việt và các CN khác làm việc thường xuyên và lâu dài nhưng công ty này chỉ ký hợp đồng thời vụ 3 tháng một lần.
“Suốt 7 năm làm việc tại công ty, mỗi năm tôi được ký tới 4 tờ hợp đồng lao động (HĐLĐ), tờ nào cũng ghi rõ điều khoản “BHXH được trả vào lương”. Lúc đó, biết không được tham gia BHXH là thua thiệt nhưng nghĩ lương chỉ có 120.000 đồng/ngày mà phải trừ chi phí đóng BHXH, BHYT nữa thì chẳng còn là bao nên chúng tôi cũng nhắm mắt cho qua” - anh Việt nhớ lại.
Thế nhưng, cuối năm 2012, anh Việt không may gặp nạn khi đang chất hàng. Cú té ngã từ trên cao cộng với khối lượng hàng hóa lớn đè lên người khiến anh bị chấn thương và xuất huyết não. Trải qua nhiều lần phẫu thuật và quá trình trị liệu lâu dài, đến nay, anh vẫn bị liệt nửa người.
Sau khi tai nạn xảy ra, công ty chỉ hỗ trợ anh Việt chi phí phẫu thuật lần đầu rồi phủi tay. Toàn bộ chi phí 2 lần phẫu thuật sau đó rồi tiền viện phí, thuốc men, tập vật lý trị liệu..., vì không có BHYT nên gia đình anh phải tự lo bằng cách đi vay nặng lãi. Đến nay, số nợ đã đẻ lãi lên gần 100 triệu đồng nhưng gia đình anh không có khả năng chi trả.
Cách đây không lâu, hơn 100 CN của một công ty chuyên xếp dỡ hàng hóa (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã ngừng việc tập thể yêu cầu công ty phải ký HĐLĐ, tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho CN. “Thế nhưng, trước khi ký HĐLĐ, nghe công ty “cảnh báo” nếu tham gia BHXH, lương của mỗi CN sẽ bị giảm hơn 10%, tức mỗi tháng CN bị giảm khoảng 400.000 đồng thu nhập, thì chúng tôi bắt đầu do dự. Sau đó, tôi cùng nhiều CN khác đã quyết định làm đơn xin không tham gia BHXH nữa theo gợi ý của công ty” - anh Nguyễn Trọng Thịnh, một CN, cho biết.
Thế nhưng, xui rủi cho anh Thịnh, cuối năm 2014, khi đang làm việc, anh bị xe nâng quẹt vào chân làm gãy xương phải điều trị suốt 2 tháng trời. Thời gian đó, ngoài việc tự túc mọi chi phí điều trị, anh Thịnh phải nghỉ làm không lương và không được nhận bất kỳ khoản trợ cấp tai nạn lao động nào. Nhiều người xúi đi kiện đòi công ty bồi thường nhưng Thịnh từ chối vì biết rõ chính anh là người đã chối bỏ quyền lợi của mình.
Ước gì có BHXH!
Cũng vì chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt như anh Việt và anh Thịnh mà giờ đây, anh Phạm Tấn, CN Công ty Cơ khí T.T (huyện Hóc Môn, TP HCM), phải rối bời do không biết lấy đâu ra tiền để chữa bệnh. Tấn cho biết khi vào làm tại công ty năm 2011, vì không muốn bị ràng buộc trách nhiệm nên anh đã từ chối ký HĐLĐ. Do vậy, anh không được tham gia BHXH, BHYT.
Mấy tháng trước, anh Tấn được chẩn đoán bị gai đốt sống cổ, đốt sống lưng, thoái hóa 2 khớp gối, suy tĩnh mạch 2 chân. Do không có BHYT nên anh chỉ điều trị qua loa ở phòng mạch tư. Đến nay, bệnh tình của Tấn trở nên nghiêm trọng, bác sĩ yêu cầu anh phải tạm ngừng công việc, vào bệnh viện thực hiện các xét nghiệm để có hướng xử lý. Song, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn (anh Tấn là lao động chính trong nhà, vợ bán hàng rong thu nhập không ổn định), không còn cách nào khác, anh đành viết đơn đề nghị công ty hỗ trợ nhưng bị từ chối thẳng thừng.
Chị Trần Thị Thảnh, CN Công ty Nhựa Trường Thịnh (huyện Củ Chi, TP HCM), lại gánh chịu thiệt thòi vì công ty nợ BHXH. Tháng 7-2014, khi ngừng hoạt động, ngoài việc nợ lương CN nhiều tháng, công ty còn nợ BHXH từ năm 2011 với số tiền gần 7 tỉ đồng. Chính vì vậy mà cả 2 lần chị Thảnh sinh con đều không được hưởng trợ cấp thai sản. Đến khi công ty ngừng hoạt động, chị cũng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
“Giờ đây, mọi chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào khoản tiền lương hơn 3 triệu đồng/tháng của chồng tôi. Giá như công ty đừng nợ BHXH, tôi sẽ được nhận khoảng 20 triệu đồng, gồm tiền thai sản của 2 lần sinh và tiền trợ cấp thất nghiệp, thì gia đình chắc chắn sẽ đỡ khổ hơn” - chị Thảnh buồn rầu.
Nên tham gia BHXH
Ông Trần Văn Triều, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP HCM, nhận định: Hiện nay, có khá nhiều người lao động (NLĐ) không được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp né tránh trách nhiệm tham gia BHXH hoặc quỵt tiền BHXH của họ. Cũng có trường hợp do nhận thức chưa thấu đáo của NLĐ nhưng dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì kết quả của nó cũng chính là những thiệt thòi mà NLĐ phải gánh chịu.
Bình luận (0)