Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau vừa cho biết hội đồng kỷ luật đã họp và bỏ phiếu kín để làm cơ sở kỷ luật đối với một số lãnh đạo ở Công ty CP Cấp nước Cà Mau. Theo đó, đa số phiếu đề nghị kỷ luật chủ tịch hội đồng quản trị công ty ở mức cảnh cáo, giám đốc và phó giám đốc công ty bị đề nghị mức kỷ luật khiển trách. Đây chính là hậu quả của việc công ty cho 76 người lao động (NLĐ) nghỉ việc sai quy trình, không tiến hành các bước theo quy định dẫn đến khiếu nại tập thể và bị hàng loạt NLĐ khởi kiện công ty ra tòa.
Chuyện nhỏ thành to
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tháng 8-2015, UBND tỉnh Cà Mau thông qua phương án cổ phần hóa Công ty Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau thành Công ty CP Cấp nước Cà Mau, đồng thời phê duyệt phương án sắp xếp lao động dôi dư do chuyển đổi công ty TNHH 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Khi đó, đáng lý phải tiến hành xây dựng phương án giải quyết lao động dôi dư theo 5 bước nhưng công ty lại bỏ qua bước quan trọng nhất là phối hợp với Công đoàn tổ chức Đại hội CNVC để cho ý kiến về danh sách lao động. Chưa hết, công ty còn tự tiện cho 76 NLĐ nghỉ việc.
Đáng nói là dù được các cơ quan chức năng của tỉnh chỉ rõ lỗi và yêu cầu khắc phục sai phạm nhưng lãnh đạo công ty phớt lờ. Đến nay, việc cổ phần hóa công ty đã xong nhưng tranh chấp phát sinh từ việc cổ phần hóa vẫn còn và việc giải quyết hậu quả của nó ngày càng phức tạp. Bản thân ông Ninh Quang Thế, Phó Chánh án TAND TP Cà Mau - một trong các thẩm phán tham gia xét xử 36/76 vụ kiện của NLĐ, cũng thấy bối rối. “Nếu tòa xử công ty sai và buộc phải bồi thường cho NLĐ thì nguồn tiền bồi thường sẽ do Công ty Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau hay do Công ty CP Cấp nước Cà Mau chi trả? Nếu lấy tiền của Công ty CP Cấp nước Cà Mau chi trả thì khả năng sẽ xảy ra tranh chấp giữa các cổ đông góp vốn đối với số tiền bồi thường vì hiện nay, nguồn vốn của công ty thuộc vốn của nhiều cổ đông đóng góp” - ông Thế lý giải.
Sửa sai bằng cách... tiếp tục sai
Giải quyết sự việc một cách nóng vội, không tuân thủ quy định của pháp luật không chỉ gây ra tranh chấp lao động mà còn gây tổn hại tiền bạc và uy tín của doanh nghiệp. Vụ việc xảy ra tại Công ty B.T (quận 3, TP HCM) mới đây là một ví dụ. Khi phát hiện chị N.N.T vi phạm nội quy lao động, thay vì phải xử lý kỷ luật lao động theo quy định thì công ty lại ra thông báo cho NLĐ nghỉ việc vào ngày 1-1-2017 với lý do không tái ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) khi hợp đồng hết hạn. Trong khi đó, HĐLĐ của chị T. có thời hạn 3 năm (từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2018).
Khi chị T. khiếu nại lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quận 3, ngày 3-1-2017, công ty đã ra văn bản thu hồi thông báo không tái ký HĐLĐ với chị. Những tưởng công ty đã biết sai và sửa đổi, không ngờ cũng vào ngày này, công ty trao cho chị T. thông báo “cho nghỉ việc vì cơ cấu lại nhân sự, tinh giản biên chế”.
Theo quy định, khi muốn cắt giảm lao động vì lý do kinh tế thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định, đồng thời phải trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Song, Công ty B.T không hề xây dựng phương án sử dụng lao động và lên danh sách những NLĐ bị cắt giảm cụ thể mà chỉ gửi thông báo cắt giảm lao động về phòng LĐ-TB-XH quận vào ngày 3-1 kèm theo danh cách các vị trí có cắt giảm lao động. Chị T. đã gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP và kiện công ty ra tòa. Thanh tra sở cho biết sắp tới sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động tại công ty.
Phạm luật vì “đốt cháy” giai đoạn
Tương tự, cũng vì “đốt cháy” giai đoạn mà Công ty P.N (huyện Củ Chi, TP HCM) vừa bị TAND TP tuyên buộc phải bồi thường cho NLĐ hơn 300 triệu đồng. Vào ngày 18-3-2016, khi được thông báo có 1 lô hàng lỗi bị đối tác nước ngoài trả về, công ty đã triệu tập 4 công nhân (CN) tổ hoàn thiện lên họp. Thành phần tham gia cuộc họp gồm giám đốc sản xuất, quản đốc phân xưởng và một số CN thuộc các công đoạn trước nhưng không có đại diện Công đoàn cơ sở.
Kết thúc cuộc họp, công ty đưa ra quyết định tạm đình chỉ công việc của cả tổ hoàn thiện một tuần, nếu trong một tuần không ai chịu nhận lỗi thì cả 4 CN sẽ bị sa thải. Đến ngày 24-3-2016, dù không chứng minh được lỗi của NLĐ, cũng không tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, công ty vẫn trao quyết định cho thôi việc cả 4 CN. Quyết định thôi việc được ký ngày 19-3-2016. Bức xúc trước quyết định trên, cả 4 CN đã kiện công ty ra tòa.
Bình luận (0)