Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó có đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO liên tục có bài viết phân tích những bất cập của Luật BHXH hiện hành; đồng thời ghi nhận ý kiến đóng góp của độc giả về các giải pháp hạn chế tình trạng rút BHXH một lần hiện nay.
Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Công ty tôi đang làm hiện tại có khoảng 800 công nhân, trong đó gần 50% là làm thời vụ, công nhân chính thức chỉ hơn 450 người. Hỏi ra mới biết công nhân chính thức cũng nghỉ việc ra làm thời vụ vì nghe đề xuất rút ngắn năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm. Nghỉ để 1 năm sau đi rút bảo hiểm 1 lần chứ không đợi lãnh lương hưu. Vì khi đề xuất chắc chắn sẽ thông qua và áp dụng, mà áp dụng thì người lao động sợ không rút được nên giờ nghỉ 1 năm sau rút trước khi đề xuất đóng 15 năm được thông qua. Xin hỏi ban soạn thảo có ý kiến gì?".
Tương tự, một bạn đọc khác phân tích thêm: "Phải nói rằng việc ồ ạt rút BHXH trong thời gian vừa qua là do chính sách BHXH thay đổi, tăng tuổi, giảm quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu. Trước khi thông qua sửa đổi này, nhiều ý kiến của người lao động và cán bộ Công đoàn các cấp không đồng tình, bởi nó không thể hiện ý chí nguyện vọng của người lao động tại các doanh nghiệp khi mà điều kiện lao động khó khăn. Bản thân tôi nghĩ rằng nếu có sửa luật thì chỉ áp dụng cho đối tượng bắt đầu tham gia BHXH tại thời điểm bộ luật có hiệu lực mà cũng nên chia nhỏ lộ trình tăng trong khoảng 20 năm, như thế mới khoa học tránh tác động nhiều, còn những người đã tham gia bảo hiểm trước đây phải giữ nguyên như cũ, tôn trọng những nội dung điều khoản của những người đã tham gia bảo hiểm xã hội trước đây, không thể cứ lấy lý do vỡ quỹ để thay đổi, liệu sau này cứ có nguy cơ vỡ quỹ thì lại điều chỉnh giảm quyền lợi của người lao động hay sao". Cũng theo bạn đọc này, BHXH khi người lao động đã tham gia thì các điều khoản phải ổn định lâu dài, nếu công tâm thì việc điều chỉnh này không được áp dụng cho đối tượng đang tham gia BHXH để tránh ý chí cá nhân vào việc xây dựng Luật BHXH. Mấu chốt vấn đề là để tuổi nghỉ hưu và cách tính lương hưu như cũ, không nên lái vấn đề giảm năm đóng BHXH,khi mà điều kiện nghỉ hưu quá xa vời".
Bạn đọc Thanh Thúy đặt câu hỏi và tự trả lời: "Tại sao từ năm 2020 trở về trước không có hiện tượng này, đã quá rõ". Tương tự, bạn đọc Nguyễn Hoàng Hà gay gắt: "Do chính sách vô lý của Luật BHXH. Thử hỏi 40 tuổi thất nghiệp mà phải chờ 22 năm sau mới lĩnh lương thì có ai chờ được không?". Một bạn đọc giấu tên cho rằng nếu không giảm tuổi hưu và tăng mức hưởng thì sẽ dẫn đến tình trạng nhà nhà, người người rút BHXH 1 lần, càng giảm năm đóng càng nhiều người rút. Hy vọng Báo Người Lao Động đồng hành với NLĐ quyết liệt đấu tranh để cơ quan BHXH hiểu rằng không thể làm gì khác ngoài việc phải lắng nghe và chấp thuận theo ý kiến chính đáng của NLĐ".
Theo nhiều bạn đọc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần là do chính sách không đi vào cuộc sống của những người lao động. Việc tăng tuổi nghỉ hưu và năm đóng bảo hiểm đã làm cho người lao động đã khó khăn trong cuộc sống nay lại càng khó khăn hơn. Bạn đọc Tân Hợp phân tích: "Đồng lương hưu không đủ sống, trượt giá và lạm phát tăng cao. Thế hệ trê bây giờ rất năng động, họ chuẩn bị sẵn kinh tế cho tuổi về già. Họ có nhiều phương án tích lũy". Còn theo bạn đọc Thanh Phạm, có xây dựng Luật BHXH như thế nào thì cơ quan soạn thảo luật cũng phải bám sát thực tiễn cuộc sống, có như vậy mới làm cho người lao động an tâm mà tham gia bảo hiểm để hưởng hưu trí. "Theo tôi thấy hiện nay luật BHXH hiệ hành chưa thực sự làm người người lao động an tâm. Giờ còn tính sửa luật là hạ năm đóng xuống 15 năm và tiến tới 10 năm, điều này mới nghe có vẻ là cơ quan soạn thảo muốn chăm lo cho người lao động dễ dàng có tuổi hưu, nhưng đây thực tế là cách gài người lao động vào thế khó" - bạn đọc này viết.
Bình luận (0)