Nhận định trên được bà bà Nguyễn Thị Bích - Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Gò Vấp, TP HCM - đúc kết tại hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Công đoàn (CĐ) quận Gò Vấp mới đây.
Nhiều nơi còn ngại khó
Theo bà Bích, ở những nơi ý kiến của người lao động (NLĐ) không được tiếp thu, để bức xúc diễn ra âm ỉ thì tất yếu sẽ dẫn đến tranh chấp lao động tập thể. Hai cuộc tranh chấp lao động tập thể xảy ra trên địa bàn quận mới đây cũng xuất phát từ việc doanh nghiệp (DN) và CĐ cơ sở không nắm bắt và kịp thời giải quyết những bức xúc của NLĐ.
Mặt tích cực của đối thoại được nhiều đại biểu chỉ ra. Tuy vậy, theo báo cáo của một số quận - huyện tại TP HCM, 3 năm qua, số DN tổ chức hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc vẫn còn thấp. Chẳng hạn, trong nửa nhiệm kỳ đầu, LĐLĐ huyện Hóc Môn đặt chỉ tiêu 70% DN tổ chức hội nghị NLĐ nhưng hết năm 2015 chỉ 138/241 DN thực hiện, đạt 57,26%. Về đối thoại tại nơi làm việc thì chỉ có 30/241 DN tổ chức đối thoại định kỳ 6 tháng/lần và 148/241 DN tổ chức đối thoại... 1 năm/lần! Còn tại quận Gò Vấp, chỉ tiêu trong nửa nhiệm kỳ có 50% DN ngoài nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ nhưng chỉ 98/473 DN thực hiện, đạt 20,72%. Số DN tổ chức đối thoại định kỳ là 85/473, đạt 17,98%...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên song lý do chủ yếu được các DN đưa ra là vì phải tập trung cho sản xuất - kinh doanh, không có thời gian và không tập hợp được lực lượng NLĐ để tổ chức. Bà Nguyễn Xuân Hằng, Chủ tịch CĐ Siêu thị BigC Gò Vấp, nêu: “Do áp lực cạnh tranh, DN phải cắt giảm lao động khiến một nhân viên phải đảm nhiệm nhiều việc hơn nên khó sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động. Hơn nữa, tất cả mặt bằng của siêu thị đều được tận dụng để kinh doanh nên dù muốn cũng không có nơi để tổ chức”.
Những kinh nghiệm quý
“Theo tôi, sở dĩ nhiều DN nói khó tổ chức đối thoại định kỳ là vì họ còn hiểu và thực hiện việc đối thoại một cách nặng nề, máy móc” - ông Nguyễn Hữu Thủy, Chủ tịch CĐ Công ty CP Nhất Thông (TP HCM), nhận định. Theo ông Thủy, đối thoại có thể được lồng ghép trong các cuộc gặp gỡ, giao ban, hội nghị. Thông qua đó, những vướng mắc nào bức thiết hoặc có thể giải quyết được thì sẽ giải quyết trước. Những vấn đề lớn, khó giải quyết sẽ đưa ra thảo luận tại hội nghị NLĐ. Như vậy, việc tổ chức hội nghị NLĐ cũng dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch CĐ Công ty Nước uống tinh khiết Sài Gòn, cho biết: Việc đối thoại tại công ty được linh động tổ chức vào ngày trả lương định kỳ hằng tháng. Ban giám đốc yêu cầu trưởng bộ phận và chủ tịch CĐ cùng đứng ra phát lương cho công nhân nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải đáp các thắc mắc về tiền lương hay các chế độ chính sách khác. Bên cạnh đó, trong quy trình đào tạo dành cho nhân viên mới, công ty luôn nêu rõ quyền lợi và trách nhiệm của NLĐ. Sau khóa đào tạo, công ty tổ chức thi để xem NLĐ đã nắm được thông tin hay chưa.
“Những phần nào NLĐ trả lời sai, nghĩa là họ chưa hiểu, chưa nắm bắt được, chúng tôi sẽ đào tạo lại để bảo đảm tất cả nhân viên đều nắm rõ các chế độ, chính sách của công ty” - bà Thu nói.
Một cách làm hay
Bà Trần Thị Châu, Chủ tịch CĐ Công ty SB Gear Vina (huyện Hóc Môn, TP HCM), nêu kinh nghiệm: Để đối thoại đạt hiệu quả, công ty đã thành lập tổ đối thoại gồm 6 thành viên. Các thành viên trong tổ được tạo điều kiện thu thập thông tin góp ý từ NLĐ ngay tại xưởng sản xuất trong giờ làm việc; được gặp gỡ, đối thoại với ban giám đốc định kỳ mỗi tháng 1 lần hoặc khi có yêu cầu. Họ còn được cử tham dự các khóa tập huấn về kỹ năng đàm phán, đối thoại. “Nhiều năm qua, công ty luôn ổn định, không xảy ra tranh chấp tập thể là nhờ coi trọng việc tổ chức hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc. Thông qua hội nghị NLĐ và các buổi đối thoại, NLĐ được tham gia ý kiến vào kế hoạch hoạt động của DN, được góp ý vào các giải pháp nâng cao năng suất lao động, hoàn thành chỉ tiêu đơn hàng, qua đó NLĐ cũng phần nào hiểu được khó khăn, chia sẻ với DN” - bà Châu cho biết.
Bình luận (0)