Những ngày này, toàn bộ 230 công nhân (CN) Công ty CP Thiết bị giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức, TP HCM) làm việc cật lực để hoàn tất đơn hàng. “Lương, thưởng hợp lý cùng chính sách đãi ngộ tốt giúp CN an tâm làm việc, gắn bó lâu dài” - anh Trần Minh Tâm, CN bộ phận kỹ thuật khuôn mẫu, cho biết.
Chủ động tìm tiếng nói chung
Tháng 8 và tháng 9 hằng năm là mùa sản xuất cao điểm, dù vậy ban giám đốc Công ty CP Thiết bị giáo dục Minh Đức chủ trương không cho CN tăng ca nhiều nhưng vẫn bảo đảm thu nhập. Nhờ đó, không ít CN ở một số bộ phận có tăng ca đạt thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.
Lắng nghe và chia sẻ là bí quyết để ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp (DN) của ban giám đốc. Ông Nguyễn Quang Ngà, giám đốc công ty, cho biết tiền lương là vấn đề khá nhạy cảm tại DN. Do vậy, khi điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) hoặc nâng lương định kỳ, ban giám đốc đều yêu cầu Công đoàn (CĐ) cơ sở thăm dò ý kiến CN, sau đó thảo luận kỹ với ban giám đốc trước khi quyết định. “Cái gì luật đã quy định thì đương nhiên DN phải tuân thủ. Do vậy, trong quá trình thương lượng, CĐ và ban giám đốc chỉ bàn bạc những nội dung có lợi hơn cho CN, sau đó hoàn thiện thành quy chế để thực hiện” - ông Ngà chia sẻ.
Tại Công ty CP Thiết bị giáo dục Minh Đức, ở những lần điều chỉnh LTT, nếu mức LTT đang áp dụng đã cao hơn quy định thì ban giám đốc vẫn điều chỉnh tăng nhằm tạo tâm lý phấn khởi cho CN. Ngoài phụ cấp chức vụ, tùy đóng góp trong năm mà CN còn được xét nâng lương định kỳ (thấp nhất 6%; cao nhất 12%, tính theo mức lương thực lãnh).
Cũng với tinh thần cầu thị ấy, ban giám đốc và CĐ Công ty Mach Knit Vina (100% vốn Hàn Quốc; huyện Bình Chánh, TP HCM) không mất quá nhiều thời gian cho việc thương thảo tiền lương mà vẫn đạt được sự đồng thuận cao. “Cơ chế đối thoại định kỳ 1 tháng/lần giúp ban giám đốc và CĐ cơ sở giải quyết căn cơ những kiến nghị liên quan đến đời sống, việc làm của CN, nhất là tiền lương” - ông Nguyễn Huy Cường, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết.
Nhờ tìm được tiếng nói chung nên đời sống CN ngày càng ổn định. Ngoài phụ cấp thâm niên từ 3%-5%/năm, công ty còn hỗ trợ phụ cấp nhà trọ, tiền cơm ngày chủ nhật… tổng cộng hơn 500.000 đồng/tháng.
Lấy đối thoại làm gốc
Tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể, ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM - nhìn nhận: “Nhiều DN khi có tranh chấp về lợi ích thường e ngại đối thoại với CĐ - đại diện cho tập thể lao động, khiến hai bên khó tìm được tiếng nói chung. Trường hợp này, DN nên lấy đối thoại làm gốc, có như vậy mới sớm ổn định quan hệ lao động”.
Nhắc lại vụ tranh chấp xảy ra tại đơn vị cách đây không lâu, ông Cao Văn Hưng, Giám đốc Công ty Hưng Văn (may gia công, tỉnh Bình Dương), nói ông lấy làm tiếc vì từ chối cơ hội đối thoại với CĐ cơ sở khi giải quyết kiến nghị của CN. Cách đây 2 tháng, do tăng ca quá sức, CN kiến nghị ban giám đốc điều chỉnh để bảo đảm sức khỏe. Đinh ninh đã thỏa thuận tăng ca trước với tập thể CN và chi trả đủ quyền lợi, ông Hưng không xem xét kiến nghị của CN khiến họ bức xúc, ngừng việc. Hậu quả là đơn hàng bị trễ, công ty bị đối tác phạt nặng.
Theo ông Nguyễn Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, mọi tranh chấp tại DN cần được giải quyết thông qua đối thoại. Nếu DN không lắng nghe và e ngại đối thoại, bức xúc dù nhỏ sẽ âm ỉ và bùng phát, quan hệ lao động khó hàn gắn.
Bình luận (0)