Hiện ông sở hữu khoảng 40 mẫu đất trồng tràm, mì, xoài, tiêu; nuôi hàng trăm còn bò, dê. Ngoài ra, ông còn nhận khoán trồng rừng, bảo vệ và phòng chống cháy rừng với diện tích khoảng 260 ha.
Vươn lên từ gian khó
Từng trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ nên ông luôn thấu hiểu sự nhọc nhằn, vất vả của người nghèo. Do vậy, ông đã nỗ lực để tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động là những người nghèo khó, đồng thời tích cực tham gia các chương trình từ thiện tại địa phương.
Khoảng 4 giờ sáng, ông Tạo đã thức dậy cùng vợ lo cơm nước, thuốc men, phụ tùng sửa xe máy để… đi rừng. Đúng 5 giờ, ông bắt đầu chạy xe máy vượt chặng đường khoảng 15km vào trang trại nằm lọt thỏm giữa rừng, thuộc ấp 5, xã Thanh Sơn. Đến nơi cũng vừa kịp giờ ông triển khai công việc trong ngày cho công nhân làm, sau đó ông rảo quanh khu rừng nắm bắt tình hình xem chỗ nào cần dọn cỏ, tỉa cành, chăm sóc cây trồng… để chủ động triển khai công việc ngày hôm sau cho công nhân. Suốt 14 năm qua, ông cùng làm, cùng ăn, cùng ở trong rừng với công nhân đến chiều tối mới về. Ông chia sẻ: "Ở đây công việc quá nhiều, nếu mình không có mặt để giám sát và chỉ việc cho công nhân làm thì cũng như "rắn mất đầu" vậy. Cho nên, hôm nào gia đình có việc và tôi không "lội rừng" vài bữa là nóng lòng lắm…".
Ông Tạo cho biết, năm 1983, ông rời quê Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lên đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Ông xin vào làm khai thác rừng ở lòng hồ Trị An. Đến khoảng năm 1986, sau khi làm xong lòng hồ ông tiếp tục làm thuê, ai thuê gì làm nấy. "Có thể nói từ năm 1983 đến năm 2002 là giai đoạn khó khăn nhất của tôi vì khi đến xứ lạ quê người. trong túi không còn tiền, tôi phải làm thuê làm mướn để sống. Lúc bấy giờ, lòng hồ Trị An là khu rừng già với nhiều dịch bệnh. Ai đến đây cũng chịu đựng những trận sốt rét rừng hoành hành. Đôi lúc tôi cũng nản chí và có ý định chùn bước. Nhưng rồi được anh em cùng hoàn cảnh động viên, giúp đỡ nhau. Từ đó, tôi xác định đã ra đi lập nghiệp thì phải quyết tâm làm bằng được. Và cứ vậy tôi cố gắng vươn lên", ông Tạo kể.
Sau nhiều năm làm thuê, làm mướn, đến năm 2003, ông Tạo dành dụm được một số vốn kha khá. Ông sử dụng một ít tiền mua mảnh đất ngoài trung tâm xã (chỗ ở hiện nay) để cất nhà cho vợ con ở, sinh hoạt được thuận tiện. Phần tiền còn lại ông dùng mua đất đầu tư làm ăn. Cứ như vậy, tiền dành dụm được mỗi năm ông mua vài ba sào đất tích góp dần. Đến nay ông đã là chủ sở hữu khoảng 40 mẫu; trong đó ông dùng hơn 25 mẫu đất ven lòng hồ Trị An trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc và trồng bắp, mì; khoảng 13 mẫu đất trên đồi cao trồng tràm, phần còn lại trồng xoài và tiêu.
Ông Tạo đang trao đổi công việc với người lao động
Tận dụng vùng đất rộng lớn và cây cỏ nhiều, ông đầu từ nuôi bò và dê. Ban đầu chỉ nuôi vài con bò, đến nay gia đình ông đã có 170 con bò, 70 con dê lớn nhỏ. Ngoài ra, cũng trong năm 2003, ông bắt đầu ký hợp đồng nhận khoán trồng tràm và chăm sóc rừng với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà. Lấy ngắn nuôi dài, tận dụng lúc cây rừng còn nhỏ ông đã trồng xen canh mì, bắp để có thêm thu nhập. Nhờ làm ăn có uy tín nên công ty luôn tạo điều kiện tốt để ông có việc làm ổn định từ đó đến nay. Hiện công ty đang khoán cho ông với diện tích khoảng 260 ha đất rừng trong 10 năm. Nhiệm vụ của ông là kêu gọi nhân công trồng rừng, chăm sóc rừng, dọn cỏ, trực canh phòng, chống cháy rừng vào mùa khô, quản lý bảo vệ rừng.
Ông Tạo bộc bạch: "Con đường lập nghiệp của tôi không phải lúc nào cũng suôn sẻ mà đôi lúc cũng vấp ngã. Tuy nhiên, tôi không nản chí mà xem những lần vấp ngã đó là bài học, từ đó giúp mình rút ra kinh nghiệm và tiếp tục vươn lên. Chính nhờ sự kiên trì đó đã giúp tôi thành công".
Hết lòng vì người nghèo
Từng trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ nên ông Tạo luôn thấu hiểu sự nhọc nhằn, vất vả của người nghèo. Do vậy, khi điều kiện kinh tế gia đình khá giả, ông tích cực giúp đỡ người nghèo. Hiện ông đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 25 - 30 người dân địa phương. Chưa kể vào mùa thu hoạch mì, bắp, số lượng lao động tăng lên từ 60 đến 70 người. "Đa số bà con ở đây là người dân tộc Chơ Ro, Mường, Tày, Thái… có hoàn cảnh khó khăn và không có nghề nghiệp ổn định. Cho nên, tôi đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho họ. Tùy theo tính chất công việc mà tôi trả lương cho họ theo ngày hoặc theo tháng. Tuy nhiên, mức lương của họ cũng tương đối cao so với vùng nông thôn, người có mức lương thấp cũng được từ 4 đến 4,5 triệu đồng/tháng, người có mức lương cao khoảng 7 triệu đồng/tháng", ông Tạo cho hay.
Một số trường hợp quá nghèo khó được ông Tạo tận tình giúp đỡ giờ đây đã có cuộc sống tốt hơn. Cụ thể như trường hợp gia đình anh Trương Đức Lương (37 tuổi, tổ 8, ấp 8, xã Thanh Sơn) rời miền Bắc vào đây từ năm 1992 với nhiều cái không: không nhà cửa, không đất đai, không công việc ổn định…. Thấy vậy, ông Tạo đã đưa gia đình anh Lương về ở trong trang trại và tạo công ăn việc làm gần 10 năm nay. Nhờ đó hai vợ chồng anh làm có dư, tích cóp mua được mảnh đất 1,2 mẫu để trồng điều và cất nhà. "Hiện thu nhập của hai vợ chồng tôi được khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chúng tôi còn thu nhập thêm từ cây điều nên cuộc sống cũng ổn định. Gia đình tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay cũng nhờ chú Tư tận tình giúp đỡ. Chúng tôi biết ơn chú Tư nhiều lắm và mong chú tiếp tục tạo việc làm để chúng tôi có điều kiện lo cho 3 đứa con (lớn 18 tuổi, nhỏ 2 tuổi) ăn học đàng hoàng", anh Lương bộc bạch.
Gia đình ông Tạo còn là mạnh thường quân nhiệt tình, tích cực đóng góp vào Quỹ vì người nghèo của địa phương. Năm 2016, ông đã hỗ trợ 30 triệu đồng cùng chính quyền địa phương xây dựng căn nhà tình thương tặng một hộ nghèo. Ngoài ra, hễ biết được những hoàn cảnh đau ốm mà không có tiền đi bệnh viện, gia đình có người mất mà không đủ tiền lo ma chay…, ông đều sẵn lòng giúp vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.
"Mình đi lên từ khó khăn nên thấu hiểu được sự túng thiếu là như thế nào. Cho nên mỗi khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn là tôi sẵn lòng giúp đỡ họ trong khả năng có thể. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm điều đó", ông Tạo tâm sự.
Bình luận (0)