Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, bảo đảm tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian để người lao động (NLĐ) chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.
Phần lớn người lao động ít có thời gian chăm sóc gia đình Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiện nay, với quy định thời giờ làm việc bình thường của NLĐ là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong lúc đó, từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan nhà nước. Đến nay, sau 20 năm, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng quy định thời gian làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện đối với công chức, viên chức, NLĐ trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và NLĐ khu vực ngoài nhà nước, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động.
Ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng việc giảm giờ làm cũng là cơ hội để chuyển từ sử dụng nhiều lao động phổ thông sang lao động kỹ thuật cao. Việc giảm giờ làm chắc chắn cũng sẽ tạo áp lực nhất định để doanh nghiệp đầu tư thêm vào kỹ thuật, công nghệ, từ đó nâng cao năng suất lao động của NLĐ. Tôi ủng hộ đề xuất giảm giờ làm cho NLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam bởi như vậy NLĐ mới có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động và dành nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình. Bên cạnh những "quy định cứng" về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ, Ban Soạn thảo Bộ Luật Lao động còn phải tính toán thiết kế thêm hành lang pháp lý để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ trên cơ sở xem xét tính đặc thù của từng ngành nghề.
Bình luận (0)