Sáng 29-9, đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam do ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - dẫn đầu đã có buổi khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Công đoàn tại Công ty CP Cơ khí - Xây dựng - Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM). Đây là doanh nghiệp (DN) điển hình tại TP HCM trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi (cơ sở vật chất, thời gian, kinh phí...) để Công đoàn hoạt động.
Hiểu đúng về vai trò Công đoàn
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí - Xây dựng - Thương mại Đại Dũng, cho biết với sự hỗ trợ của ban giám đốc, việc phát triển đoàn viên gặp rất nhiều thuận lợi, 100% người lao động (NLĐ) sau khi ký hợp đồng lao động đều đồng ý gia nhập Công đoàn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí - Xây dựng - Thương mại Đại Dũng (bìa phải), hỗ trợ công nhân mua hàng tại Phiên chợ 0 đồng ở nhà máy Ảnh: NGA HOÀNG
Hiểu được vai trò của Công đoàn nên ban giám đốc cũng tạo điều kiện thuận lợi để Công đoàn tham gia xây dựng các văn bản quản lý DN, đơn cử như quy chế đào tạo, bồi dưỡng nghề; nội quy lao động; thang lương, bảng lương. Nhờ có sự đồng thuận này nên việc thực hiện quy chế dân chủ, đặc biệt là chăm lo cho NLĐ, gặt hái được kết quả tích cực, thu nhập và đời sống NLĐ được cải thiện rõ rệt. "Với sự hỗ trợ của DN, việc thực hiện thu - chi tài chính Công đoàn bảo đảm theo các quy định của pháp luật và Tổng LĐLĐ Việt Nam, tỉ lệ chi cho hoạt động đại diện, bảo vệ, chăm lo đoàn viên - lao động chiếm 85%" - ông Hùng cho biết thêm. Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí - Xây dựng - Thương mại Đại Dũng, khẳng định: "Thông qua hiệu quả của các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên - lao động, Công đoàn cơ sở đã góp phần ổn định quan hệ lao động và hỗ trợ DN phát triển ổn định".
Đánh giá của ông Trịnh Mạnh Hùng cũng là nhìn nhận của nhiều chủ DN tại TP HCM về hiệu quả hoạt động Công đoàn. Theo ông Nguyễn Quang Ngà, Giám đốc Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (TP Thủ Đức, TP HCM), để hoạt động Công đoàn hiệu quả, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải hiểu đúng về vai trò, vị trí của tổ chức đại diện cho NLĐ tại cơ sở. Từ nhận thức này, ông Ngà chủ trương phải xây dựng quan hệ hợp tác mật thiết với Công đoàn cơ sở thông qua quy chế phối hợp hoạt động và giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ. Các vướng mắc nảy sinh trong quan hệ lao động được hai bên giải quyết trên cơ sở hài hòa lợi ích nhằm triệt tiêu mầm mống tranh chấp lao động. Kết quả, từ khi thành lập đến nay, công ty chưa hề xảy ra tranh chấp lao động. Theo góc nhìn của ông Trương Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu, TP Thủ Đức), sự hiện diện của tổ chức Công đoàn tại DN là cần thiết để các bên trong quan hệ lao động nhận ra những hạn chế trong cách hành xử để có ứng xử phù hợp, nhất là khi phát sinh tranh chấp về lợi ích.
Còn nhiều trở ngại
Đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật Công đoàn 2012, LĐLĐ TP HCM cho biết bên cạnh những kết quả trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở, hoạt động Công đoàn cũng bộc lộ hạn chế nhất định.
Thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn là quyền của NLĐ theo quy định tại điều 175 Bộ Luật Lao động. Quyền này có thực hiện được hay không phụ thuộc vào thiện chí của NSDLĐ. Thực tế, ở nhiều DN tại TP HCM, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN dân doanh, NSDLĐ thường xuyên có hành vi cản trở NLĐ gia nhập, thành lập và hoạt động Công đoàn vì cho rằng đơn vị phải chi phí tốn kém trong việc bảo đảm cơ sở vật chất cho Công đoàn hoạt động, chưa kể trả lương cho cán bộ Công đoàn khi họ tham gia hoạt động phong trào. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn được thành lập còn hạn chế nhiều quyền của NSDLĐ như quyền xử lý kỷ luật và chấm dứt hợp đồng với NLĐ. Nhiều DN có hành vi phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc nhằm cản trở NLĐ tham gia hoạt động Công đoàn.
Làm việc tại tỉnh Bình Dương, đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của Luật Công đoàn 2012. Theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, việc thực hiện các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (điều 9 Luật Công đoàn) còn mang tính khái quát, chung chung, chưa cụ thể. Do vậy, trong thời gian tới, khi nghiên cứu sửa đổi Luật Công đoàn, nên quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Công đoàn và thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019. Việc bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách tại DN hiện nay rất khó thực hiện, do điều kiện về số lượng biên chế ít, chưa có quy định cụ thể kinh phí chi trả về tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác. Cùng với đó là quy định về quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc tham gia thanh tra, kiểm tra chế độ, chính sách cho NLĐ, tham gia giải quyết tranh chấp lao động; trong phối hợp giám sát thực thi chế độ BHXH của NLĐ theo quy định của pháp luật; quy định trong việc thu - chi tài chính Công đoàn… Một vấn đề được cán bộ Công đoàn cơ sở rất quan tâm và đã nhiều lần kiến nghị là chính sách để thu hút, tạo động lực cho cán bộ Công đoàn gắn bó lâu dài với tổ chức Công đoàn. Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày Thông Dụng (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), việc chi trả phụ cấp cho cán bộ Công đoàn không chuyên trách phải hợp lý và tương xứng với công sức và trách nhiệm của họ khi thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ NLĐ.
Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM: Hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ
Luật Công đoàn 2012 cần sửa đổi, bổ sung quy định tại điều 10 về vai trò đại diện của Công đoàn cho phù hợp với Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, Bộ Luật Dân sự nhằm tạo sự thống nhất và áp dụng một cách đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật, đặc biệt là văn bản hướng dẫn thực hiện dưới luật; tăng cường tính độc lập của cơ chế 3 bên trong quan hệ lao động.
Bình luận (0)