"Kiểu hồ sơ "hồn Trương Ba, da hàng thịt" này không chỉ khiến DN gặp rắc rối trong thực hiện chế độ chính sách với NLĐ mà bản thân NLĐ cũng phải chịu thiệt thòi khi quyền lợi bị mất trắng" - ông Cao Đức Minh, Giám đốc nhân sự Công ty CP Cơ khí Hoàng Tâm, bày tỏ.
Thực trạng ông Minh đề cập không mới, song thường xuyên diễn ra khiến người quản lý DN đau đầu. Do nhiều lý do khác nhau, không ít lao động ngoại tỉnh đã mượn chứng minh thư của bạn bè hoặc người thân để làm hồ sơn xin việc. Nhiều DN do khan hiếm lao động đã lơ là khâu kiểm tra và hệ quả là NLĐ được nhận vào làm việc dưới một cái tên khác. Do trùng tên nên người mượn tên lẫn người cho mượn tên sẽ gặp rắc rối không nhỏ nếu muốn được giải quyết chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Đơn cử như trường hợp 1 trong 2 người nộp đơn xin nghỉ việc, muốn chốt sổ BHXH hoặc hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Thực tế, từ thông tin cơ quan BHXH cung cấp, nhiều DN mới phát hiện việc mượn hồ sơ để đi làm và buộc NLĐ trực tiếp đến cơ quan BHXH để giải quyết hậu quả. Theo ông Minh, để xảy ra chuyện này, lỗi hoàn toàn thuộc về NLĐ và họ sẽ phải gánh chịu thiệt thòi.
Theo luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật Đặng và Cộng sự (Hà Nội), việc mượn, làm giả hồ sơ xin việc không chỉ khiến NLĐ mất quyền lợi mà còn là hành vi vi phạm pháp luật lao động và BHXH. Mức phạt dành cho hành vi mượn hồ sơ tư pháp của người khác để đi làm và tham gia BHXH từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. NLĐ còn phải nộp lại cho cơ quan BHXH số tiền BHXH đã nhận do hành vi vi phạm. "Tha hương kiếm sống, hơn ai hết, NLĐ phải biết tự bảo vệ mình bằng ý thức thượng tôn pháp luật. Thực hiện tốt điều này, đồng nghĩa với việc NLĐ sẽ bảo vệ được quyền thụ hưởng chính sách đối với bản thân về lâu dài, tránh sa vào những rắc rối không đáng có" - luật sư Đức khuyên.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!