Phóng viên: Theo quy định tại điều 14 Luật BHXH, chức năng khởi kiện được giao cho tổ chức Công đoàn (CĐ). Tuy nhiên, việc khởi kiện nợ, trốn đóng BHXH phải do CĐ cơ sở và được người lao động (NLĐ) ủy quyền. Điều này sẽ rất khó thực hiện, bởi rất ít NLĐ và chủ tịch CĐ cơ sở chịu ký vào đơn kiện chủ sử dụng lao động. Ông lý giải ra sao về vấn đề này?
- Ông ĐÀO VIỆT ÁNH: Trước đây, khi cơ quan BHXH là người khởi kiện đơn vị nợ BHXH để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thì việc khởi kiện thực hiện theo thủ tục vụ án dân sự. Hiện nay, theo quy định tại Luật BHXH và Luật CĐ thì CĐ cơ sở hoặc CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập tổ chức CĐ cơ sở có trách nhiệm đại diện tập thể NLĐ khởi kiện tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể NLĐ bị xâm phạm; đại diện NLĐ khởi kiện tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ bị xâm phạm và được NLĐ ủy quyền.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc khởi kiện của tổ chức CĐ đòi hỏi phải do CĐ cơ sở tiến hành hoặc phải có giấy ủy quyền của NLĐ. Thực tế, việc khởi kiện của tổ chức CĐ gặp rất nhiều khó khăn và hầu như chưa phát huy được hiệu quả. Một trong các nguyên nhân là do người được trao quyền khởi kiện lại không dám sử dụng quyền của mình. Thực tế, CĐ cơ sở không dám đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho CĐ cấp trên khởi kiện; NLĐ lại càng không dám ủy quyền cho tổ chức CĐ kiện chủ doanh nghiệp (DN) của mình khi bản thân cần có công ăn việc làm.
Cán bộ LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM hướng dẫn công nhân Công ty TNHH May Thái Bình Dương khởi kiện đòi BHXH Ảnh: CAO HƯỜNG
Do đó, thời gian qua, dù cơ quan BHXH đã chuyển hơn 2.909 hồ sơ cho tổ chức CĐ nhưng số vụ mà tổ chức CĐ nộp đơn khởi kiện còn rất khiêm tốn (126 hồ sơ). Trong đó, có tới 96 hồ sơ bị tòa án trả lại với lý do thiếu giấy ủy quyền của NLĐ hoặc giấy ủy quyền của CĐ cơ sở.
Từ năm 2018 đến nay, số vụ khởi kiện nợ BHXH do tổ chức CĐ thực hiện rất ít. Mức độ hợp tác giữa cơ quan BHXH với tổ chức CĐ trong việc khởi kiện DN nợ BHXH đến đâu và hiệu quả ra sao?
- Tháng 9-2016, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam ký quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu giữa hai bên trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Theo quy chế, cơ quan BHXH có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức CĐ danh sách các đơn vị nợ BHXH cần khởi kiện, hồ sơ xác định nợ và các tài liệu khác liên quan để phục vụ việc khởi kiện.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện quy chế, việc phối hợp giữa cơ quan BHXH và tổ chức CĐ đã đạt một số kết quả nhất định. Cụ thể, cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp 2.909 hồ sơ đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH cho CĐ cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện (riêng năm 2018 là 887 hồ sơ). LĐLĐ cấp tỉnh đã nộp 126 hồ sơ khởi kiện cho tòa án. Bốn vụ việc đã có quyết định công nhận thỏa thuận của tòa án (hòa giải thành), với tổng số tiền đã trả nợ sau hòa giải là 1,32 tỉ đồng (riêng năm 2018 là 696 triệu đồng).
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH và tổ chức CĐ đã tích cực phối hợp đôn đốc, thuyết phục các đơn vị sử dụng lao động trả nợ. Kết quả, nhiều đơn vị đã chủ động khắc phục hết nợ hoặc cam kết trả nợ theo lộ trình. Tính đến cuối tháng 7-2018, 986 đơn vị nợ tiền BHXH đã nộp hết số tiền nợ, 883 đơn vị đã khắc phục một phần số nợ với tổng số tiền thu được là 878 tỉ đồng (riêng năm 2018 là 176 tỉ đồng).
Ở góc độ là cơ quan quản lý quỹ, theo ông, để tổ chức CĐ có thể thực hiện tốt quyền khởi kiện, Luật BHXH phải sửa theo hướng nào?
- Những khó khăn, vướng mắc gặp phải khi tổ chức CĐ thực hiện khởi kiện đơn vị nợ BHXH đã được BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo kịp thời và được Chính phủ lắng nghe, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tháo gỡ. Tại các cuộc họp liên ngành giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH Việt Nam, TAND Tối cao và các bộ, ngành liên quan, vấn đề quyền khởi kiện của cơ quan BHXH, những khó khăn khi tổ chức CĐ khởi kiện đã được thảo luận, xem xét.
Căn cứ tình hình khởi kiện thời gian vừa qua, theo tôi, để tổ chức CĐ có thể thực hiện tốt quyền khởi kiện, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau. Trước tiên, cần điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng cho phép CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH (hiện nay quy định cho CĐ cơ sở thực hiện).
Thứ hai, cần tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng của hệ thống cán bộ CĐ đảm nhiệm công tác khởi kiện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH các cấp để nắm bắt thông tin, hỗ trợ thực hiện việc khởi kiện.
Cuối cùng, tổ chức CĐ cần chủ động phối hợp với cơ quan BHXH các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động; nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân NLĐ.
Bình luận (0)