Ngoài các khoản phụ cấp khác như những viên chức là phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi nghề…, giáo viên còn được hưởng phụ cấp đặc thù của nghề giáo.
Phụ cấp đặc thù không phải giành cho mọi giáo viên
Theo quy định tại điều 12 Luật Viên chức năm 2010, về tiền lương và các chế độ, viên chức được hưởng: Trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; Được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa…. hoặc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.
Ngoài các khoản phụ cấp khác như những viên chức là phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi nghề…, giáo viên còn được hưởng phụ cấp đặc thù của nghề giáo
Trong đó, có thể kể đến một số loại phụ cấp như: Phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp đặc thù, phụ cấp cho giáo viên dạy người khuyết tật, phụ cấp thâm niên, phụ cấp công tác ở vùng có điều kiền đặc biệt khó khăn…
Riêng phụ cấp đặc thù, theo quy định tại điều 4 Nghị định 113/2015/NĐ-CP của Chính phủ, phụ cấp này được áp dụng với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành.
Để hướng dẫn cụ thể về các đối tượng được hưởng phụ cấp đặc thù, điều 3 Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH nêu rõ, phụ cấp đặc thù áp dụng với: Nhà giáo dạy tích hợp: Là nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trong một bài học/học phần/mô đun/môn học; Nhà giáo dạy thực hành có một trong các danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận sau trở lên: Nghệ nhân ưu tú, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật.
Như vậy, phụ cấp đặc thù không phải giành cho mọi giáo viên mà chỉ những người liệt kê ở trên mới được hưởng.
Mức hưởng và cách tính
Tại điều 5 Nghị định 113 nêu trên, mức hưởng phụ cấp đặc thù của giáo viên gồm 10% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) .
Mà mức lương hiện hưởng được tính theo số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế. Do đó, điều 3 Thông tư 22 nêu cụ thể công thức tính phụ cấp đặc thù của giáo viên như sau: Phụ cấp đặc thù = [(hệ số lương theo hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x mức lương cơ sở/ (Định mức giờ giảng trong một năm/12 tháng) x số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế trong tháng x 10%.
Phụ cấp đặc thù được trả cùng kỳ lương hàng tháng cũng như không dùng để tính đóng, hưởng chế độ BHXH
Trong đó: Hệ số lương theo hạng, bậc; Hệ số phụ cấp chức vụ : Được nêu chi tiết tại phụ lục ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Hệ số thâm niên vượt khung (nếu có): 5% mức lương của bậc lương cuối cùng. Mức lương cơ sở: Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP ); Từ 1-7-2020 trở đi mức lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng (theo Nghị quyết 86/2019/QH14 ).
Định mức giờ giảng: Theo quy định tại điều 2 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH, định mức giờ giảng là số giờ chuẩn cho mỗi nhà giáo phải giảng dạy, được quy định theo năm học: Một giờ dạy lý thuyết: 45 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn; Một giờ dạy tích hợp (kết hợp cả lý thuyết và thực hành): 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn; Một giờ dạy thực hành: 60 phút được tính bằng 1 giờ chuẩn.
Đặc biệt, phụ cấp đặc thù được trả cùng kỳ lương hàng tháng cũng như không dùng để tính đóng, hưởng chế độ BHXH.
Dưới đây là cụ thể một trường hợp tính phụ cấp đặc thù của nhà giáo: Nhà giáo B dạy thực hành ở trường cao đẳng, có chứng nhận bậc thợ 6/7; hệ số lương 3,66; định mức giờ giảng trong một năm là 400 giờ; số giờ dạy thực hành thực tế trong tháng là 35 giờ.
Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,49 triệu đồng/tháng nên mức phụ cấp đặc thù nhà giáo B được hưởng là: Tiền phụ cấp đặc thù = (3,66 x 1,49 triệu đồng) / (400 giờ/12 tháng) x 35 giờ x 10% = 572.607 đồng
Bình luận (0)