Đại hội Công đoàn Viên chức TP HCM lần thứ IV (nhiệm kỳ 2023-2028) sẽ chính thức khai mạc hôm nay (9-7), tại Học viện Cán bộ thành phố. Trong nhiệm kỳ qua (2017-2022), Công đoàn Viên chức thành phố đã phối hợp với các Công đoàn cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp (DN) tổ chức nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền lợi cho công chức, viên chức, người lao động (NLĐ).
Thấu hiểu và sẻ chia
Nhiệm kỳ qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị không hoạt động sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của NLĐ. Trước tình hình này, Công đoàn Viên chức thành phố đã triển khai nhiều chương trình chăm lo nhằm hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên khó khăn, mất thu nhập vì dịch bệnh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (TP Thủ Đức, TP HCM) phải đóng cửa trong một thời gian dài, hơn 100 NLĐ lâm vào cảnh khó khăn vì thiếu việc làm, thu nhập giảm sút nghiêm trọng. Để động viên NLĐ, đoàn công tác của Công đoàn Viên chức TP HCM đã đến tận nơi hỗ trợ gạo, tiền cho đoàn viên.
Là một trong những trường hợp được hỗ trợ, chị Đoàn Thị Hồng, nhân viên vệ sinh Công ty CP Du lịch Văn hóa Suối Tiên, rất cảm động. Chị Hồng quê ở Sóc Trăng, đã gắn bó với công ty 13 năm. Chồng chị bị đái tháo đường nặng, thị lực yếu nên không làm được việc gì. Khi có việc làm ổn định, dù thu nhập không cao nhưng nếu biết gói ghém thì gia đình chị cũng đủ trang trải qua ngày.
Thế nhưng từ khi xảy ra dịch bệnh, khu du lịch phải đóng cửa, chị Hồng và đồng nghiệp chỉ làm 10 ngày/tháng nên thu nhập giảm sút. Do vậy, phần quà trị giá 1,2 triệu đồng của Công đoàn Viên chức thành phố gửi tặng là nguồn động viên rất lớn đối với gia đình chị.
Hướng đến mục tiêu chăm lo tốt nhất cho đoàn viên, Công đoàn Viên chức thành phố đã ra mắt 15 điểm phúc lợi đoàn viên tại các DN đóng ở Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức, TP HCM), phục vụ hơn 30.000 NLĐ. Để hỗ trợ NLĐ mua sắm, Công đoàn Viên chức thành phố đã tặng hàng chục ngàn phiếu mua sắm với tổng trị giá 3,5 tỉ đồng.
Nhận được phiếu mua hàng, chị Mai Thị Quế, công nhân Công ty TNHH Nidec Sankyo, bày tỏ: "Sau dịch COVID-19, cuộc sống của đại bộ phận NLĐ rất khó khăn khi vật giá leo thang, nhiều người còn tính chuyện về quê. Do vậy, sự thấu hiểu và sẻ chia của Công đoàn đã giữ chúng tôi ở lại".
Nhiệm kỳ qua, Công đoàn Viên chức thành phố giới thiệu cho đoàn viên tham gia các chương trình ưu đãi, giảm giá từ 20%-60% khi mua sắm, làm lợi cho đoàn viên hơn 6,4 tỉ đồng. Công đoàn Viên chức thành phố và các Công đoàn cơ sở đã phối hợp Tổ chức Tài chính vi mô CEP cho gần 4.000 lượt đoàn viên vay, với số tiền hơn 203 tỉ đồng, góp phần hạn chế tín dụng đen trong CNVC-LĐ.
Công đoàn Viên chức thành phố cũng đã chăm lo cho 1.119 đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo, trao 8 "Mái ấm Công đoàn", tặng quà Tết cho 20.000 đoàn viên; trao 1.417 suất Học bổng Nguyễn Đức Cảnh và tổ chức cho 16.000 con đoàn viên tham gia Trại hè Thanh Đa… với tổng số tiền hơn 40 tỉ đồng.
Đoàn viên Công đoàn Viên chức TP HCM tham gia mua sắm tại chương trình “Phúc lợi đoàn viên”
Khơi dậy tinh thần sáng tạo
Nhiệm kỳ 2017-2022 cũng đánh dấu bước tiến vững chắc của phong trào "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo" do Công đoàn Viên chức TP HCM triển khai. Từ phong trào, đã có 6 cá nhân được "Giải thưởng Tôn Đức Thắng" vinh danh.
Một trong những tấm gương tiêu biểu là bà Lê Thị Bé Ba, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM (Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM), đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020. Chứng kiến khó khăn về vốn, kinh nghiệm quản lý của các DN khởi nghiệp, bà Bé Ba bỏ nhiều công sức để tư vấn giúp các bạn trẻ hoàn thiện dự án một cách tốt nhất.
Những ý tưởng hay, lạ, độc đáo của các bạn trẻ luôn được bà và các thành viên ở trung tâm đứng ra hỗ trợ, từ việc ủng hộ cơ sở hạ tầng đến phương pháp kinh doanh, quản lý nhân sự, đăng ký độc quyền thương hiệu… Với sự hỗ trợ tích cực của bà và đồng nghiệp, nhiều dự án khởi nghiệp sớm gặt hái thành công.
Những sản phẩm độc đáo của các DN xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường trong nước và quốc tế như: cây khí canh, bột rau má, xà phòng organic, nấm mối trồng nhà màng… "Mỗi khi nghe một bạn khởi nghiệp ra mắt sản phẩm mới được thị trường ưa chuộng, tôi vui như chính mình vừa thành công. Cứ thế, hết DN này đến DN khác, sản phẩm này đến sản phẩm khác ra đời cuốn tôi vào công việc" - bà nói.
Một điển hình sáng tạo khác là ông Lê Văn Cửa, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP HCM (Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM). Mỗi năm, ông Cửa cùng đồng nghiệp thực hiện từ 30-40 đề tài, công trình nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao với tổng giá trị làm lợi gần 10 tỉ đồng.
Ông còn tham gia thực hiện những công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở theo hướng nghiên cứu ứng dụng, tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng trong canh tác nông nghiệp như sản xuất giống mới; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc các giống cây, giống hoa, giống con; quy trình nhân giống các loại dược liệu quý hiếm; quy trình chẩn đoán, phát hiện bệnh trên cây trồng và vật nuôi… Với những cống hiến xuất sắc, năm 2021, ông Cửa được bổ nhiệm làm Phó Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM.
Thực hiện chương trình "75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển", công chức, viên chức, NLĐ đã thực hiện gần 5.400 sáng kiến đã đăng ký, đạt 316% chỉ tiêu do LĐLĐ TP HCM phân bổ. Các cấp Công đoàn đã kết nối các cá nhân, tổ chức, DN hỗ trợ chăm lo cho đoàn viên, người dân tại các địa phương khó khăn, tuyến đầu chống dịch, tổng số tiền vận động và hỗ trợ chăm lo hơn 50 tỉ đồng.
Bình luận (0)